“Xã M là một xã vùng sâu, toàn bộ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Gần đây, một vài Trưởng thôn phản ánh với chính quyền xã về việc có một số người lạ mặt đến địa phương truyền đạo. Họ lén lút đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã và biếu một ít quà và tiền, sau đó tuyên truyền, vận động những gia đình này đi theo một đạo mới. Họ hứa rằng, đi theo đạo này thì cuộc sống sẽ khá lên, không phải đói nghèo, sẽ có tiền xây nhà, mua ti vi và nhiều tài sản khác. Một số gia đình trong xã cũng bắt đầu làm theo những việc mà những người lạ mặt này đặt ra như: bỏ bàn thờ tổ tiên, vận động người thân quen đi theo đạo, tập trung học kinh thánh vào các buổi tối tại một số gia đình… Chính quyền xã phải làm gì trước tình hình này? “
Hỏi: Xã M là một xã vùng sâu, toàn bộ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Gần đây, một vài Trưởng thôn phản ánh với chính quyền xã về việc có một số người lạ mặt đến địa phương truyền đạo. Họ lén lút đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã và biếu một ít quà và tiền, sau đó tuyên truyền, vận động những gia đình này đi theo một đạo mới. Họ hứa rằng, đi theo đạo này thì cuộc sống sẽ khá lên, không phải đói nghèo, sẽ có tiền xây nhà, mua ti vi và nhiều tài sản khác. Một số gia đình trong xã cũng bắt đầu làm theo những việc mà những người lạ mặt này đặt ra như: bỏ bàn thờ tổ tiên, vận động người thân quen đi theo đạo, tập trung học kinh thánh vào các buổi tối tại một số gia đình… Chính quyền xã phải làm gì trước tình hình này?
Đáp: Điều 70 Hiến pháp năm 1992 quy định, công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ; không ai được xâm phạm tự do, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Điều 11 và Điều 12 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định, chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo (1) phải được sự chấp thuận của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi thực hiện. Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo (2) hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với UBND xã, phường, thị trấn; trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. Như vậy, Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi sinh hoạt tôn giáo, nhưng các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ các quy định về quản lý tôn giáo. Những hoạt động tôn giáo không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 15 Pháp lệnh này quy định, đình chỉ ngay những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi hoạt động này xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác và các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Trong trường hợp này, UBND xã cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, tổ chức theo dõi để phát hiện quả tang hành vi truyền giáo của những người lạ mặt.
– Áp dụng biện pháp kiểm tra hành chính mà pháp luật cho phép để xác định nhân thân của đối tượng qua các giấy tờ tuỳ thân, qua đó có cơ sở để khẳng định xem họ có phải là chức sắc tôn giáo hoặc nhà tu hành không, vì chỉ những người này mới được quyền thực hiện việc truyền giáo.
– Yêu cầu các đối tượng trình bày rõ họ theo tôn giáo nào, từ đó xác định xem tôn giáo đó đã được công nhận là tổ chức tôn giáo hợp pháp theo quy định tại Điều 16 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo hay chưa; hoạt động tôn giáo của họ đã đăng ký chương trình với UBND xã chưa và đã được cơ quan nào của Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. Tất nhiên trong trường hợp này, những người lạ mặt có hoạt động tôn giáo trái phép vì không đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo với UBND xã. Đây là cơ sở để xử lý hành vi của họ một cách khách quan.
Thứ hai, đề nghị những người lạ mặt đang có hoạt động truyền giáo về trụ sở UBND xã giải quyết. Tại đây, UBND xã đề nghị họ viết tường trình và yêu cầu họ xuất trình các giấy tờ pháp lý mà pháp luật quy định phải có khi thực hiện hành vi truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo. Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thì trong trường hợp này, để được truyền đạo, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, chức sắc tôn giáo, nhà tu hành phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND cấp huyện nơi diễn ra cuộc lễ. Người truyền giáo phải làm thủ tục xin truyền giáo ngoài cơ sở tôn giáo theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Qua việc thực hiện các biện pháp nói trên, chính quyền xã sẽ có cơ sở để khẳng định: những người thực hiện hành vi truyền giáo tại xã là người không được phép truyền giáo cho người khác (vì không phải là chức sắc, nhà tu hành); đồng thời, hành vi truyền giáo ngoài cơ sở tôn giáo của họ vi phạm pháp luật về quản lý tôn giáo. Trên cơ sở đó tiến hành lập biên bản vi phạm pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ ba, thông báo ngay cho cơ quan Công an cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về hành vi vi phạm pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo của những người lạ mặt nói trên để có biện pháp xử lý theo pháp luật, tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm; đồng thời thông báo cho chính quyền các xã khác có biện pháp quản lý biến động của các đối tượng.
Thứ tư, phổ biến cho nhân dân trong xã và giáo dục những công dân trong xã đã có hành vi nghe theo sự truyền giáo trái phép, ảnh hưởng đến truyền thống, phong tục tập quán của địa phương. Đề nghị mọi người dân cảnh giác với những hành vi truyền đạo trái phép.
(1) Cơ sở tôn giáo là nơi thừa tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận.
(2) Hoạt động tôn giáo là việc truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý tổ chức của tôn giáo.