Vụ ‘Bị khởi tố vì làm phiền 20 phút’: Tạm đình chỉ nhưng 2 năm sau mới giao quyết định

Công an tạm đình chỉ điều tra vụ án chờ kết quả giám định tâm thần của bị hại trong vụ “Bị khởi tố vì làm phiền 20 phút” nhưng hai năm sau các bị can mới nhận quyết định này.

Ngày 11-11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên (Bình Dương) đã làm việc với bị can Trần Minh Đức (ngụ TP.HCM) để thông báo và giao các quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.

Đây là vụ án “bị khởi tố vì làm phiền người khác 20 phút” mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần thông tin việc chậm giải quyết vụ án và dấu hiệu oan. Tòa từng trả hồ sơ với quan điểm chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo, chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác.

Vụ 'Bị khởi tố vì làm phiền 20 phút': Tạm đình chỉ nhưng 2 năm sau mới giao quyết định  ảnh 1
Bị can Trần Minh Đức. Ảnh: VH

Theo các quyết định trên thì lý do tạm đình chỉ là “thời hạn điều tra đã hết, trưng cầu giám định tâm thần của người bị hại chưa có kết quả”.

Điều đặc biệt là các quyết định tạm đình chỉ đã có từ ngày 3-12-2020, do Trung tá Nguyễn Phương Vinh – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Uyên ký.

“Suốt hai năm qua chúng tôi tìm đến Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên, VKSND huyện Tân Uyên khoảng 20 lần để xin làm việc, hỏi về vụ án nhưng không được biết đến các quyết định tạm đình chỉ này. Ngoài ra, còn hàng chục phiếu chuyển đơn từ trung ương đến cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương nhưng công an vẫn không trả lời chúng tôi” – ông Trần Minh Đức cho biết.

Ngày 11-11, PV liên hệ với Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an thị xã Tân Uyên, để làm rõ thông tin Cơ quan CSĐT Công an thị xã đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can từ hai năm trước nhưng không thông báo đến các bị can trong khi các bị can rất nhiều lần liên hệ; đến nay đã có kết quả giám định tâm thần của bị hại hay chưa, vụ án đã được phục hồi điều tra hay chưa… Tuy nhiên, như những lần trước, Thượng tá Phú trả lời “tôi đang họp” rồi tắt máy.

Các quyết định tạm đình chỉ điều tra cũng được gửi đến VKSND thị xã Tân Uyên. Tuy nhiên, nhiều lần PV liên hệ, lãnh đạo VKSND thị xã Tân Uyên luôn trả lời: “Vụ án đang được cơ quan điều tra (CQĐT) thụ lý, có thắc mắc hay khiếu nại gì đề nghị liên hệ Công an thị xã Tân Uyên để xem xét, giải quyết”.

Phải giao quyết định sau hai ngày ban hành

ThS – luật sư Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Khoản 3 Điều 229 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ, CQĐT phải gửi quyết định này cho VKS cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can… Các quyết định đình chỉ này cũng ghi “Nơi nhận: bị can” thì việc không giao cho họ là đã vi phạm quy định tố tụng.

Ngoài ra, vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác mà lý do tạm đình chỉ là để chờ kết quả giám định tâm thần của bị hại thì không hợp lẽ. Bởi khách thể của tội danh này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Sức khỏe tâm thần của bị hại không phải là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm của tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Việc chờ kết luận giám định tâm thần của bị hại cũng không thuộc một trong các trường hợp để CQĐT tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Hơn nữa, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung không phải để giám định tâm thần của bị hại. “Thông thường, đối với các vụ án về xâm hại tình dục thì mới cần xác định tình trạng tâm thần bị hại vì liên quan đến việc định tội danh, định khung hình phạt. Chẳng hạn như nếu bị hại có vấn đề về tâm thần thì bị can có thể phải chịu thêm tình tiết tăng nặng “lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân”” – ThS – luật sư Nguyễn Sơn Lâm phân tích thêm.

Bị khởi tố vì đến nhà người khác làm phiền 20 phút

Cuối năm 2007, ông Đức làm hợp đồng mua bán giấy tay với bà Nguyễn Thị Tư hai mảnh đất ở thị xã Tân Uyên. Bà Tư nhận 250 triệu đồng, giao cho ông Đức hai sổ hồng. Đồng thời, bà cam kết làm hợp đồng công chứng sang tên trong vòng một tháng và nhận số tiền còn lại.

Tuy nhiên, bà Tư không thực hiện mà làm đơn cớ mất một sổ hồng và xin cấp lại rồi mang sổ hồng được cấp mới đi thế chấp vay tiền. Ngoài ra, với mảnh đất đã bán, bà Tư còn viết giấy tay bán cho nhiều người khác.

Lúc này, ông Đức tố cáo bà Tư lừa đảo. Tuy nhiên, Công an thị xã Tân Uyên cho rằng giữa bà Tư và những người mua đất chỉ là các giao dịch dân sự.

Tháng 11-2018, ông Đức cùng bà Trần Thị Mỹ Hạnh và ông Văn Ngọc Sang đến nhà bà Tư để giải quyết việc mua bán đất trước đó. Khi cả ba vào nhà bà Tư thì cửa cổng và cửa nhà đều đang mở. Thấy nhóm ông Đức đến, bà Tư có mặt tại nhà nhưng ngay lập tức ra khỏi nhà và báo chính quyền.

Sau đó, ông Đức, bà Hạnh và ông Sang bị khởi tố về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS. Theo CQĐT, hành vi của ba người này làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, gây hoang mang, lo lắng cho bà Tư.

VKS ba lần ra cáo trạng nhưng tòa đều trả hồ sơ để làm rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.

Trong lần trả hồ sơ gần nhất vào ngày 28-7-2020, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nhận định: Nếu bị hại còn nợ tiền mà các bị cáo đến nhà (cổng nhà không đóng), bị hại có mặt tại nhà nhưng do hoảng sợ nên ngay lập tức ra khỏi nhà và báo chính quyền sau 20 phút thì việc các bị cáo đến nhà bị hại là có lý do và vào nhà bằng lối cổng mở là không có hành vi xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của bị hại. Do đó, chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo xâm phạm chỗ ở của người khác. Hành vi trên chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác.

Theo PLO

error: Content is protected !!