Vụ 38 con chó trong cốp xe: Có thể bị xử lý hình sự, mức phạt đến 7 năm tù
Mới đây, Công an huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã di lý Ngô Bá Phát (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) về trụ sở công an huyện để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, lực lượng chức năng và người dân địa phương đã phối hợp bắt được Phát đang chạy xe ô tô chở 38 con chó là tang vật mà nhóm Phát trộm được (ban đầu xác định có hai người đã chạy xe máy tẩu thoát).
Ngô Bá Phát đi ô tô, trộm 38 con chó của người dân. Ảnh: FB |
Vậy hành vi của nhóm Phát sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Luật sư Lê Doãn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), về mặt hành chính, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…) hành vi trộm cắp tài sản (trong đó bao gồm trộm chó) sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng.
Cạnh đó, theo LS Tuấn, Điều 173 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi trộm cắp tài sản (trong đó bao gồm trộm chó) nếu có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Mức độ nghiêm trọng hơn, nếu phạm tội thuộc một trong các trường như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, hành hung để tẩu thoát…thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Vì vậy, LS Tuấn cho rằng tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người trộm chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo LS Tuấn, trong vụ việc trên khi phát hiện thì tang vật trên xe ô tô có 38 con chó. Tuy chưa có kết quả định giá tài sản, nhưng theo thông tin ban đầu đây là một nhóm chuyên trộm chó. Nhóm có 3 đối tượng, có sự phân chia công việc và sử dụng dụng cụ kích điện để bắt chó nên có thể bị xử lý hình sự theo khoản 2 Điều 173 với tình tiết có tổ chức.
Ngoài ra, nếu nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi trộm chó nhiều lần và lấy việc trộm chó là nghề sinh sống, và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính thì trường hợp này có thể bị truy tố theo khoản 2 Điều 173 với tình tiết có tính chất chuyên nghiệp, khung hình phạt từ 2-7 năm tù.
Đồng tình, Luật sư Trịnh Văn Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) phân tích thêm hành vi trộm chó có thể “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” vì trong quá trình trộm chó các đối tượng có thể gây náo động cả khu dân cư, làm xáo trộn trật tự, an ninh của khu vực đó. Đây có thể xem là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng trộm chó về tội trộm cắp tài sản mà không cần xem xét giá trị tài sản trộm.
Theo LS Hiệp, nhiều người nuôi chó và họ rất yêu thương chúng nên việc bị bắt trộm chó gây nên những tổn thương và bức xúc trong dư luận. Vì lẽ đó mà nhiều “trộm chó” khi bị bắt quả tang đã bị đánh chết hoặc bị thương tích nặng. Do đó, theo LS Hiệp cần phải xử lý nghiêm để phòng trừ nạn “trộm chó”, giúp tránh những hậu quả đáng tiếc và ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Theo PLO