Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị xây dựng Luật đạo đức
Báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp gửi Quốc hội (QH) cho thấy có tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi.
Tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng 37,6%
Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký báo cáo gửi QH về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022. Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ cho hay hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước.
Theo Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết… cũng như việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bảy bị can vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan…
Dù vậy, Chính phủ nhận định: “Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực”.
Còn theo báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, trong số vụ án khởi tố mới trong năm 2022, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất với 501 vụ (37,6%). Tội phạm này chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án; nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao.
“Đáng lưu ý, một số đối tượng có chức vụ thuộc cơ quan nhà nước đã cấu kết với một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong dư luận xã hội” – Viện trưởng VKSND Tối cao nêu rõ trong báo cáo gửi QH.
Nghiên cứu xây dựng Luật đạo đức
Bên cạnh nội dung báo cáo về tình hình tội phạm, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng kiến nghị QH nhiều nội dung rất đáng chú ý. Trong đó, ông Trí đề nghị QH tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.
Mặt khác, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng cần phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi. Việc này nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
“Xem xét nghiên cứu xây dựng Luật đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm” – ông Trí kiến nghị.
Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực
Tại báo cáo gửi QH, Chính phủ xác định PCTNTC là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trong năm 2023.
Bên cạnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ cho biết sẽ đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói” của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
“Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…” – báo cáo của Chính phủ nêu nhiệm vụ trong năm 2023.
Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội… Đồng thời, triển khai có hiệu quả hoạt động PCTNTC khu vực ngoài nhà nước.
Lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín càng phải chú trọng
giám sát, kiểm soát quyền lực
Báo cáo của Chính phủ nêu sáu bài học kinh nghiệm trong PCTNTC; trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới “công tác cán bộ”. Chính phủ cho rằng phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chính phủ cũng lưu ý cần coi trọng công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm khắc hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật, càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.
Theo PLO