“Việc giám sát bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định như thế nào? “
Hỏi: Việc giám sát bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định như thế nào?
Đáp: Theo Điều 13 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016:
“1. Quốc hội giám sát tối cao việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.
2. Hội đồng nhân dân giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân ở địa phương; định kỳ hằng năm, xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.”
Luật Tiếp cận thông tin quy định cơ chế giám sát theo hai hướng: cơ chế giám sát có tính quyền lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ chế giám sát có tính xã hội của các thiết chế xã hội khác.
Về cơ chế giám sát có tính quyền lực của cơ quan nhà nước, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giám sát tối cao đối với việc thực thi Luật này. Để thực hiện chức năng giám sát tối cao, hằng năm Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trong phạm vi cả nước.
Ở cấp độ địa phương, Hội đồng nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức ở địa phương định kỳ 6 tháng và hàng năm; xem xét báo cáo của Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin trong phạm vi địa phương. Phương thức giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về cơ chế giám sát có tính xã hội của các thiết chế xã hội khác, Luật quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân (khoản 3 Điều 13).
Việc giám sát này được thực hiện thông qua các hình thức như: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được thực hiện theo quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin được giám sát bởi Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.