“Vì mâu thuẫn nên T (bạn thân của tôi) và H là bạn cũ của T đã quyết định không tiếp tục làm bạn. Vì nóng giận nên H đã nhắn tin miệt thị T và yêu cầu T mang số tiền là 50.000 đồng trả. Tôi và T đã đến nhà H trả số tiền trên, tuy nhiên, sau khi trả tiền thì mẹ H muốn chúng tôi vào nhà và đã răn dạy T rất lâu, mẹ của H chỉ vào mặt tôi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của tôi, lao vào hành hung tôi và bắt giam cho đến khi gia đình tôi gọi yêu cầu thả tôi ra nếu không sẽ báo công an thì bà ta mới thả và vẫn tiếp tục xúc phạm tôi. Xin hỏi, trong trường hợp này tôi có thể kiện mẹ con H về hành vi nói trên không? “
Hỏi: Vì mâu thuẫn nên T (bạn thân của tôi) và H là bạn cũ của T đã quyết định không tiếp tục làm bạn. Vì nóng giận nên H đã nhắn tin miệt thị T và yêu cầu T mang số tiền là 50.000 đồng trả. Tôi và T đã đến nhà H trả số tiền trên, tuy nhiên, sau khi trả tiền thì mẹ H muốn chúng tôi vào nhà và đã răn dạy T rất lâu, mẹ của H chỉ vào mặt tôi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của tôi, lao vào hành hung tôi và bắt giam cho đến khi gia đình tôi gọi yêu cầu thả tôi ra nếu không sẽ báo công an thì bà ta mới thả và vẫn tiếp tục xúc phạm tôi.
Xin hỏi, trong trường hợp này tôi có thể kiện mẹ con H về hành vi nói trên không?
Đáp: 1. Điều 155 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%…”
Theo đó, người phạm tội phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui xác thịt…
Để làm nhục, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lột, đấm đá… nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Tuy nhiên, nếu hành vi đó cấu thành một tội riêng thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Mức độ của các hành vi làm nhục người khác trên phải là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, nghĩa là hành vi nêu trên phải gây ra những ảnh hưởng xấu ở mức độ nhất định đến nhân phẩm, danh dự của người bị hại (như lột trần truồng người bị hại ở chỗ đông người, cạo đầu bôi vôi phụ nữ…) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Bên cạnh đó, Điều 157 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%…”
Theo đó, đối với tội bắt người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt người khác) có hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay… (sau đó thường là người bị hại bị dẫn về nơi nhất định để tạm giữ hoặc tạm giam);
– Đối với tội giữ (tạm giữ) người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc giữ người khác) có hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội (như bắt ở trong nhà, bắt ngồi tại chỗ…) trong một thời gian ngắn (thường là dưới 24 giờ).
– Đối với tội giam (tạm giam) người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc giam người khác) có hành vi nhốt, giam người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như nhốt, giam ở trong buồng, trong nhà…).
Ngoài ra, nếu việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà có dùng vũ lực dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người bị hại thì người có hành vi nêu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm)
Tuy nhiên cần chú ý: Trường hợp bắt người trái pháp luật nhưng nhằm để chiếm đoạt tài sản (đưa ra yêu sách về tài sản đối với thân nhân của người bị bắt) thì hành vi này cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân mà không cấu thành tội này.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, hành vi của mẹ của H chỉ vào mặt bạn xúc phạm đến danh dự nhân phẩm, lao vào hành hung và bắt giam cho đến khi gia đình bạn gọi yêu cầu thả thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, cũng như hậu quả gây ra mà có thể cấu thành tội làm nhục người khác và tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nói trên. Tuy nhiên, dù hành vi nói trên của mẹ của H đã cấu thành hay chưa cấu thành tội phạm, bạn hoặc gia đình bạn hoàn toàn có thể tố giác hành vi nói trên, đồng thời cung cấp những chứng cứ, lời khai có liên quan để nhờ cơ quan công gian can thiệp giải quyết.