Vấn đề quốc hữu hóa của Việt Nam hiện nay?
Hỏi: Vấn đề quốc hữu hóa của Việt Nam hiện nay?
Đáp: Vấn đề quốc hữu hóa được Nhà nước quy định cụ thể lần đầu tại Điều 23 và Điều 25 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001) và kế thừa, phát triển ở Hiến pháp 2013. Các luật chuyên ngành cũng có những quy định cụ thể về vấn đề quốc hữu hóa.
Ta có thể thấy, vấn đề quốc hữu hóa trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam không được áp dụng mà Nhà nước chỉ quy định về vấn đề trưng mua, trưng dụng. Như vậy, Nhà nước ta trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, giữ vững ổn định về kinh tế cũng như chế độ chính trị.
Kết quả của quốc hữu hóa trong lĩnh vực kinh tế luôn mang tính hai mặt: vừa mang lại lợi ích kinh tế cho Nhà nước nhưng đồng thời lại hạn chế “niềm tin” của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam do quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của họ có thể bị xâm phạm, với quy định về trưng mua, trưng dụng, tổ chức, cá nhân sẽ được bồi thường khi Nhà nước thực hiện việc trưng dụng tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân đó. Tính hai mặt của lợi ích kinh tế sẽ dẫn đến những hậu quả về chính trị. Chính vì vậy, quy định về vấn đề quốc hữu hóa là một trong những vấn đề khá “nhạy cảm” và cần được quan tâm. Quy định về vấn đề quốc hữu hóa là sự thể hiện những quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam về ổn định và phát triển nền kinh tế nói riêng cũng như ổn định và phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội nói chung
Nền kinh tế ở Việt Nam vừa mang những đặc tính chung của nền kinh tế thị trường, lại vừa mang tính đặc thù là định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua một trong những đặc điểm sau: chế độ sở hữu công về tư liệu sản xuất chủ yếu đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Hiện nay Nhà nước ta lại có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh, ban hành các văn bản hướng dẫn chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác trở thành đồng chủ sở hữu của các công ty này, chứ không tiến hành quốc hữu hóa các doanh nghiệp để hình thành nên chế độ sở hữu công của chủ nghĩa xã hội.
Ta có thể thấy, quan điểm về vấn đề quốc hữu hóa nói riêng và chế độ sở hữu công cộng nói chung ở Việt Nam hiện nay đã thể hiện quan điểm về đường lối xây dựng đất nước trong thời kì quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam được xây dựng mang một màu sắc đặc biệt, bởi nó gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa tức là mục tiêu hàng đầu là giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, động viên mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở đó cải thiện từng bước đời sống nhân dân.
Như vậy, phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là đòn bẩy để giúp phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững, là phương tiện quan trọng để thực hiện xã hội hóa xã hội chủ nghĩa nền sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, quy định ở nước ta hiện nay về vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đa hình thức sở hữu chứ không thừa nhận quốc hữu hóa để sở hữu nhà nước giữ địa vị độc tôn không hề mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kì quá độ.