Vai trò của Tòa án trong việc quy định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như thế nào?

Hỏi: Vai trò của Tòa án trong việc quy định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như thế nào?

Đáp: – Các tranh chấp xảy ra với nội dung phức tạp, tính chất rất căng thẳng và mức độ khá gay gắt, đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các đương sự. Do đó, trong quá trình HĐTT giải quyết vụ tranh chấp, nếu thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại thì các bên có quyền làm đơn gửi đến Tòa án để yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời thích hợp để bảo vệ tài sản đang bị tranh chấp theo quy định tại Điều 48 Luật TTTM năm 2010:
“1. Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
2. Việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài”.
– Các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của HĐTT được quy định tại khoản 2[2] Điều 49 Luật TTTM năm 2010; các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác do Tòa án thực hiện được quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật TTTM năm 2010: “Sau khi nộp đơn khởi kiện, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, một bên có quyền làm đơn gửi đến Toà án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án có thẩm quyền thực hiện được quy định tại Điều 114[3] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
– Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 53 Luật TTTM năm 2010. Điều này cho thấy pháp luật cũng có sự can thiệp đáng kể bằng sức mạnh của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với hoạt động của TTTM, giúp cho trọng tài hoạt động có hiệu quả hơn và bảo vệ tốt quyền lợi của các đương sự tham gia vụ kiện.
– Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật TTTM năm 2010: “Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối” và khoản 5 Điều 53 Luật này có quy định: “Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà lại có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải từ chối và trả lại đơn yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”. Theo đó, nguyên tắc của Luật là nếu HĐTT đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án sẽ từ chối và ngược lại, trừ trường hợp những nội dung không thuộc thẩm quyền của HĐTT. Từ đó có thể thấy, Tòa án đóng vai trò “hỗ trợ” rất lớn trong trường hợp các bên đã có yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của HĐTT.
– Từ quy định trên có thể thấy, Luật TTTM năm 2010 đã dự liệu và phân định phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giữa HĐTT và Tòa án nhằm tránh tình trạng xung đột về thẩm quyền, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc trong mọi trường hợp các bên đều có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc pháp luật cho phép các bên có quyền yêu cầu HĐTT hoặc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo quyền lợi của mình trong vụ việc giải quyết tranh chấp, khi các bên thấy cần phải bảo vệ tài sản bị tranh chấp trước nguy cơ tẩu tán tài sản hoặc các hành vi khác nhằm làm giảm giá trị của tài sản tranh chấp. Sự “hỗ trợ” của Tòa án đối với trọng tài thể hiện rất rõ ở việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp để áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, điều mà HĐTT tuy cũng có thể thực hiện nhưng không thể thực hiện triệt để. Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án có giá trị pháp lý cao hơn, hiệu quả thi hành tốt hơn việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của HĐTT.
– Như vậy có thể khẳng định, việc Luật TTTM năm 2010 quy định có sự tham gia của Tòa án trong việc “hỗ trợ” TTTM áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là một quy định hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Nó không chỉ đảm bảo cho quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài có hiệu quả mà còn làm cho phán quyết của trọng tài có tính khả thi, đảm bảo uy tín và hiệu quả của hoạt động trọng tài.

error: Content is protected !!