“Tôi và chồng tôi thuận tình ly hôn cách đây gần 1 năm. Trong hồ sơ ly hôn có xác định phần cấp dưỡng nuôi con được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên. Nhưng trong gần 01 năm đó, bố của con tôi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Hiện tại, hoàn cảnh mẹ con tôi rất khó khăn, nếu tôi muốn yêu cầu bố của con tôi phải cấp dưỡng nuôi con thì có được không và tôi phải làm như thế nào? “
Hỏi: Tôi và chồng tôi thuận tình ly hôn cách đây gần 1 năm. Trong hồ sơ ly hôn có xác định phần cấp dưỡng nuôi con được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên. Nhưng trong gần 01 năm đó, bố của con tôi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Hiện tại, hoàn cảnh mẹ con tôi rất khó khăn, nếu tôi muốn yêu cầu bố của con tôi phải cấp dưỡng nuôi con thì có được không và tôi phải làm như thế nào?
Đáp: 1. Theo khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng (khoản 1 Điều 83). Do vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bố của con bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo đúng thỏa thuận.
2. Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quyết định, bản án của Tòa án, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định như sau:
Thứ nhất, theo pháp luật hôn nhân và gia đình, khoản 1 Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.
Thứ hai, theo pháp luật Thi hành án dân sự, mà cụ thể là Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”.
Về trình tự, thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự, tại khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
“1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có”.
Về thẩm quyền nhận đơn yêu cầu, khoản 1 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, khi bố của con bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hoặc làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp huyện tổ chức thi hành quyết định, bản án đã có hiệu lực về khoản cấp dưỡng nuôi con.