Tôi lập gia đình năm 2014. Trong thời gian chung sống với nhau, vợ tôi có sinh 01 cháu. Tháng 11 năm 2017, chúng tôi ly hôn. Tháng 8 năm 2018, tôi đi xét nghiệm ADN thì phát hiện cháu và tôi không có quan hệ huyết thống với nhau. Xin hỏi, tôi có thể kiện người mẹ vì tội lừa dối và lợi dụng tình cảm của tôi và gia đình tôi không? Hiện nay, pháp luật có quy định chế tài răn đe nào đối với trường hợp ngoại tình nhằm giữ gìn nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam không?
Hỏi: Tôi lập gia đình năm 2014. Trong thời gian chung sống với nhau, vợ tôi có sinh 01 cháu. Tháng 11 năm 2017, chúng tôi ly hôn. Tháng 8 năm 2018, tôi đi xét nghiệm ADN thì phát hiện cháu và tôi không có quan hệ huyết thống với nhau. Xin hỏi, tôi có thể kiện người mẹ vì tội lừa dối và lợi dụng tình cảm của tôi và gia đình tôi không? Hiện nay, pháp luật có quy định chế tài răn đe nào đối với trường hợp ngoại tình nhằm giữ gìn nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam không?
Đáp; 1. Có thể khởi kiện người mẹ vì tội lừa dối và lợi dụng tình cảm của bạn và gia đình bạn không?
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và mẹ cháu bé đã ly hôn từ năm 2017, do đó, tại thời điểm hiện nay, giữa hai người không còn quan hệ hôn nhân. Mặt khác, pháp luật hiện hành không điều chỉnh, không can thiệp sâu đến vấn đề tình cảm của con người. Do đó, bạn không thể khởi kiện người mẹ vì tội lừa dối và lợi dụng tình cảm của bạn và gia đình bạn.
Theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ thì:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, cháu bé được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên cháu bé là con chung của bạn và người vợ cũ. Trong trường hợp bạn không muốn thừa nhận cháu bé là con và không muốn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định không có quan hệ cha con giữa bạn và cháu bé.
2. Chế tài răn đe đối với trường hợp ngoại tình
Để bảo vệ chế độ một vợ, một chồng trong quan hệ hôn nhân, hiện nay, pháp luật Việt Nam có quy định một số chế tài áp dụng gồm:
– Về chế tài hình sự, Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Như vậy, nếu hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015.
– Về chế tài hành chính, khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”.
Như vậy, nếu hành vi ngoại tình chưa đủ cấu thành tội phạm thì người ngoại tình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP nêu trên.