“Tôi là nam giới, 24 tuổi và chưa lập gia đình. Tôi dự kiến sẽ thuê một người phụ nữ (đủ 18 tuổi) mang thai hộ cho mình. Cụ thể tôi sẽ ký hợp đồng mang thai hộ, giao cấu với người phụ nữ đó và để cô ấy sinh con. Tôi muốn được tư vấn để biết việc làm này có được pháp luật cho phép không? Nếu không được, tôi có thể nhờ mang thai hộ bằng cách thức nào? “
Hỏi: Tôi là nam giới, 24 tuổi và chưa lập gia đình. Tôi dự kiến sẽ thuê một người phụ nữ (đủ 18 tuổi) mang thai hộ cho mình. Cụ thể tôi sẽ ký hợp đồng mang thai hộ, giao cấu với người phụ nữ đó và để cô ấy sinh con.
Tôi muốn được tư vấn để biết việc làm này có được pháp luật cho phép không? Nếu không được, tôi có thể nhờ mang thai hộ bằng cách thức nào?
Đáp: Pháp luật hiện hành cho phép công dân thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, và nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. (Theo điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. (Theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. (Theo khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Từ định nghĩa “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”, nhận thấy bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là cặp vợ chồng.
Đối chiếu với trường hợp của bạn: Hiện tại bạn chưa kết hôn nên chưa đủ điều kiện để áp dụng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nếu bạn thực hiện ký hợp đồng mang thai hộ, giao cấu với một người phụ nữ và để cô ấy sinh con thì hành vi đó sẽ xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, không được pháp luật cho phép.