Tôi đã đăng ký kết hôn tại Nhật và đã vào sổ hộ khẩu bên Nhật. Hiện nay, tôi muốn xin đăng ký kết hôn tại Việt Nam để xin cấp giấy chứng nhận kết hôn để bảo lãnh chồng tôi về Việt Nam định cư.
Hỏi: Tôi đã đăng ký kết hôn tại Nhật và đã vào sổ hộ khẩu bên Nhật. Hiện nay, tôi muốn xin đăng ký kết hôn tại Việt Nam để xin cấp giấy chứng nhận kết hôn để bảo lãnh chồng tôi về Việt Nam định cư.
Đáp:Theo Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch:
“Điều 34. Điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài
1. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
2. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.”
Tức là, hai vợ chồng bạn đã đăng ký kết hôn tại Nhật Bản, thì khi về Việt Nam không cần đăng ký kết hôn lại mà chỉ cần thực hiện thủ tục đề nghị ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn.
Điều kiện để được ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn như sau:
– Tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, hoặc:
– Vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em.
Trình tự, thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn như thế nào?
Trình tự, thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn (ghi chú kết hôn) được quy định tại Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
c) Nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân của cả hai bên nam, nữ. Nếu là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn.
Cơ quan có thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn:
UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam
Thời hạn ghi Sổ hộ tịch việc kết hôn:
– Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ.
– Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
Thủ tục ghi Sổ hộ tịch việc kết hôn:
Thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn được quy định như sau:
a) Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là đủ điều kiện (như đã nêu trên), Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
b) Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện để từ chối yêu cầu nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Việc kết hôn vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
– Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam.
Ghi chú: Trường hợp UBND cấp huyện từ chối ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người yêu cầu.