Tôi có góp tiền cùng với người anh để mua một căn hộ chung cư, mỗi người góp khoảng 100 triệu, vay 700 triệu đồng. Đến nay dự án sắp hoàn thành chuẩn bị nhận nhà để ở. Vậy bây giờ, tôi cần làm những giấy tờ gì để tránh xảy ra tranh chấp tài sản khi bán căn hộ chung cư này. Hiện tại, vợ người anh đang đứng tên vay ngân hàng và là chủ căn nhà.
Hỏi: Tôi có góp tiền cùng với người anh để mua một căn hộ chung cư, mỗi người góp khoảng 100 triệu, vay 700 triệu đồng. Đến nay dự án sắp hoàn thành chuẩn bị nhận nhà để ở. Vậy bây giờ, tôi cần làm những giấy tờ gì để tránh xảy ra tranh chấp tài sản khi bán căn hộ chung cư này. Hiện tại, vợ người anh đang đứng tên vay ngân hàng và là chủ căn nhà.
Đáp: – Theo quy định tại Điều 209, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
– Khi bạn cùng vợ chồng người anh trai góp tiền để mua căn hộ chung cư thì bạn và vợ chồng người anh trai trở thành đồng sở hữu của căn hộ chung cư nêu trên. Tỷ lệ sở hữu của mỗi người tương ứng với phần vốn góp trong căn hộ theo thỏa thuận góp vốn và thực tế góp vốn. Trường hợp vợ người anh đứng tên vay ngân hàng vay 700 triệu đồng và góp vào tiền mua căn hộ thì tỷ lệ sở hữu của họ là 100 triệu + 700 triệu = 800 triệu (7/8 căn hộ). Trường hợp nếu bạn và vợ chồng người anh có thỏa thuận về việc đứng tên trên hợp đồng vay vốn nhưng việc trả nợ ngân hàng được chia đều giữa vợ chồng người anh và bạn thì tỷ lệ sở hữu tính theo thỏa thuận đó và thực tế đã diễn ra.
– Để hạn chế tối đa tranh chấp và có căn cứ vững chắc để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của mình nếu xảy ra tranh chấp khi bán căn hộ nêu trên, bạn nên thỏa thuận lại cùng vợ chồng người anh liên hệ Văn phòng công chứng nơi có căn hộ chung cư để lập một văn bản thỏa thuận, trong đó xác định rõ việc bạn cùng vợ chồng người anh cùng góp vốn mua nhà và nhà đó thuộc quyền sử dụng chung của cả 3 người, sau đó nộp văn bản thỏa thuận được công chứng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đến UBND cấp huyện, quận (nơi có nhà) để làm thủ tục đổi lại giấy chứng nhận (nếu chị dâu bạn đã được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà) hoặc liên hệ chủ đầu tư để thay đổi tên người mua trong hợp đồng mua bán nhà (nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà).
– Trường hợp nếu trước khi góp vốn, bạn và vợ chồng người anh đã có văn bản thỏa thuận có thể hiện rõ ràng việc mọi người cùng góp vốn để mua nhà và để cho chị dâu bạn đứng tên trong hợp đồng mua nhà và giấy chứng nhận sở hữu nhà; hợp đồng góp vốn và việc trả nợ vốn vay ngân hàng; các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan như giấy giao, nhận tiền giữa bạn và vợ chồng người anh… thì khi tranh chấp xảy ra, sẽ có căn cứ để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bạn đối với phần giá trị đã đóng góp.