Tòa chỉ kiến nghị, UBND có buộc phải thu hồi sổ hồng?
Thời gian gần đây Pháp Luật TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai mà khi tuyên án, tòa kiến nghị UBND thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là sổ hồng) đang có tranh chấp.
Điều này khiến các đương sự thắc mắc là liệu khi thi hành bản án, kiến nghị của tòa có bắt buộc phải thực hiện hay không. Bởi luôn có một bên đương sự mong muốn UBND sớm thu hồi sổ hồng để việc thi hành án diễn ra nhanh chóng.
Tòa kiến nghị thu hồi sổ hồng đã cấp cho ông Mình, sau đó ông Mình liên tục làm đơn đề nghị UBND TP Thủ Dầu Một làm rõ căn cứ thu hồi đất. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Tòa kiến nghị thu hồi sổ hồng
Tháng 9-2020, TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà PTO và ông Phạm Văn Mình. Theo đó, bà O yêu cầu tòa công nhận cho mình 812,1 m2 quyền sử dụng đất đang nằm trên sổ hồng đã cấp cho ông Mình. Đồng thời, yêu cầu tòa hủy một phần nội dung trên sổ hồng mà UBND TP Thủ Dầu Một cấp cho ông Mình (sau đó rút yêu cầu tại tòa).
Xử sơ thẩm, HĐXX tuyên bà O thắng kiện, kèm theo trong bản án còn có nội dung: Kiến nghị UBND TP Thủ Dầu Một thu hồi sổ hồng đã cấp cho ông Mình để điều chỉnh lại diện tích.
Tháng 3-2021, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm có nội dung như bản án sơ thẩm.
Tương tự vụ việc trên, tháng 1-2016, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp thừa kế tài sản giữa ông ĐVM và bà PTP. Theo đó, ông M yêu cầu tòa chia di sản thừa kế đối với diện tích đất hơn 16.000 m2 mà mẹ của ông để lại cho bốn anh chị em. Diện tích đất nêu trên đã được UBND TP Thủ Dầu Một cấp sổ hồng cho bà P (ông M và bà P là hai anh em).
Bản án của TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên ông M thắng kiện, chia diện tích đất hơn 16.000 m2 cho các đồng thừa kế, đồng thời kiến nghị UBND TP Thủ Dầu Một thu hồi sổ hồng đã cấp cho bà P để chia thừa kế cho các đương sự.
“Bản án của tòa đã kiến nghị rõ việc thu hồi, tôi mong UBND TP Thủ Dầu Một sớm thực hiện để việc thi hành án của tôi được nhanh chóng” – ông M nói.
Kiến nghị của tòa không mang tính chất bắt buộc nên khi thi hành án, cơ quan liên quan nếu có thắc mắc có thể gửi văn bản yêu cầu tòa giải thích rõ.
Kiến nghị của tòa có giá trị pháp lý đến đâu?
Liên quan đến vấn đề thu hồi sổ hồng theo kiến nghị của tòa trong vụ tranh chấp giữa bà PTO và ông Phạm Văn Mình đã nêu trên, ông Đặng Huy Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Dầu Một, cho biết hiện chưa thu hồi sổ hồng của ông Mình, đồng thời cũng chưa cấp sổ hồng cho bà O.
“Khi bà O nộp hồ sơ yêu cầu cấp sổ hồng, chúng tôi sẽ xem xét, chỗ nào chưa rõ sẽ hỏi tòa hoặc xin ý kiến các bên liên quan để giải quyết” – ông Cường thông tin.
Cũng vấn đề trên, luật sư (LS) Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX chỉ xem xét những vấn đề mà đương sự yêu cầu. Trong cả hai vụ việc nêu trên nguyên đơn không yêu cầu hủy sổ hồng đã cấp nên tòa không xem xét để tuyên hủy hay thu hồi là điều hiển nhiên và việc tòa kiến nghị là có thể có hoặc có thể không.
Xét về kiến nghị của tòa, do không mang tính chất bắt buộc nên trong quá trình thi hành bản án này cơ quan có thẩm quyền dựa trên những tài liệu, hồ sơ đang có để xem xét thu hồi, hủy bỏ sổ hồng đã cấp. Trường hợp có thắc mắc thì có thể gửi văn bản yêu cầu tòa giải thích rõ bản án để thi hành.
Ngoài ra, LS Hạnh cũng cho biết đối với những vụ việc tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế có liên quan trực tiếp đến đất đai giống hai trường hợp nêu trên, tòa nên hướng dẫn cho đương sự bổ sung yêu cầu hủy bỏ sổ hồng để vụ án được giải quyết một cách triệt để.
Khi nào thu hồi sổ hồng đã cấp?
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi sổ hồng đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất, hoặc nguồn gốc sử dụng đất, trừ trường hợp người được cấp sổ hồng đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Việc thu hồi đối với trường hợp nêu trên sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Như vậy, việc thu hồi sổ hồng đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất… chỉ được thực hiện khi có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc bản án, quyết định có hiệu lực của tòa.
LS TRẦN THÁI BÌNH, Đoàn LS TP.HCM
Theo PLO