Tòa án hủy phán quyết của trọng tài được quy định như thế nào?

Hỏi: Tòa án hủy phán quyết của trọng tài được quy định như thế nào?

Đáp: – Một yếu tố đảm bảo cho tính khả thi trong phán quyết của trọng tài là các quy định về hủy quyết định trọng tài phải hợp lý và chặt chẽ, tránh trường hợp quyết định trọng tài có thể bị bên thua kiện yêu cầu hủy một cách tùy tiện. Tố tụng trọng tài không có nhiều giai đoạn xét xử, không có thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy, không ai có thể đảm bảo rằng quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài luôn luôn đúng về mọi phương diện. Để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, khoản 1 Điều 44 Luật TTTM năm 2010, quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của HĐTT, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của HĐTT. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho HĐTT.
– Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 quy định: “Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên”. Như vậy, Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có thẩm quyền xem xét lại quyết định trọng tài. Khi nhận đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của một bên, Tòa án không xét xử lại mà chỉ đối chiếu vào các căn cứ phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010, bao gồm:
a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
– Nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng quyết định mà trọng tài đã tuyên thuộc một trong các trường hợp trên thì Tòa án sẽ ra quyết định hủy phán quyết của trọng tài. Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với căn cứ “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài. Với căn cứ này, tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại (viết tắc Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP). Mà theo đó: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
– Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài.
– Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà HĐTT đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.
– Ví dụ: Các bên đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội nhưng HĐTT không ghi nhận sự thỏa thuận đó của các bên trong phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 và khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tòa án xem xét, quyết định việc hủy phán quyết trọng tài này vì trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được Luật Thương mại và Bộ luật dân sự quy định.
– Ngoài ra pháp luật cũng quy định có sự tham gia của Viện kiểm sát trong hoạt động hủy quyết định của trọng tài, với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Theo quy định tại khoản 10 Điều 71 Luật TTTM năm 2010, Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
– Như vậy, quyền yêu cầu Tòa án huỷ phán quyết trọng tài của các bên tranh chấp chỉ phát sinh nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh HĐTT đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy. Khoản 1 Điều 69 Luật TTTM năm 2010 quy định “…nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy theo khoản 2 Điều 68 Luật này, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài”. Sự quy định chặt chẽ về việc bên yêu cầu phải có căn cứ chứng minh việc phán quyết của HĐTT là sai giúp cho các bên phải tự chịu trách nhiệm với yêu cầu của chính mình, khi mà các bên có nhu cầu gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu Tòa hủy phán quyết của trọng tài, họ sẽ phải tìm hiểu và đối chiếu các căn cứ hủy phán quyết của trọng tài, điều này sẽ tránh được tình trạng bên phải thi hành không muốn thi hành phán quyết của trọng tài đưa ra yêu cầu huỷ quyết định trọng tài để kéo dài thời gian, tẩu tán tài sản hoặc hy vọng Toà án sẽ xử lại và không bắt thi hành nghĩa vụ.
– Mặt khác, theo quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM năm 2010 cũng có quy định giúp cho HĐTT có thời gian khắc phục sai sót, nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài:“Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài. Hội đồng trọng tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng”. Trong trường hợp HĐTT không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Toà án tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
– Khi giải quyết Toà án không xét xử lại việc tranh chấp bởi Toà án không phải là cấp xét xử thứ hai của trọng tài. Toà án không có thẩm quyền kết luận đúng sai về nội dung phán quyết của Trọng tài đối với vấn đề xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp mà chỉ có quyền xem xét căn cứ để ra quyết định huỷ bỏ hoặc giữ nguyên quyết định trọng tài. Theo quy định tại khoản 8 Điều 71 Luật TTTM năm 2010: “Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài được thi hành.”
– Việc pháp luật quy định Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết của trọng tài khi các bên yêu cầu có tác động rất lớn, qua đó khắc phục được những sai phạm nếu có của HĐTT khi giải quyết tranh chấp, làm cho vụ giải quyết tranh chấp thực sự khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Còn nếu phán quyết của HĐTT không thuộc một trong các trường hợp bị hủy thì một lần nữa khẳng định rằng HĐTT đã thực hiện việc giải quyết tranh chấp một cách công bằng, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên và phán quyết đó cần được các bên tôn trọng và tự nguyện thi hành hoặc được cưỡng chế thi hành.
– Từ những phân tích trên cho thấy, sự hỗ trợ của Tòa án về việc hủy phán quyết trọng tài đối với những phán quyết vi phạm pháp luật của TTTM giúp cho các nhà kinh doanh yên tâm hơn khi lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, vì khi trọng tài có sự vi phạm pháp luật, Tòa án sẽ đứng ra giúp đỡ họ.

error: Content is protected !!