“Thời gian gần đây có một số hộ gia đình người dân tộc thiểu số tại xã A thuộc tỉnh S tự động di cư vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Khi chuyển đi, những gia đình này thường nói rằng họ sống ở ngoài này bị chính quyền áp bức, bị dân tộc khác đè nén. Nếu họ đi vào trong các tỉnh Tây Nguyên có thể nhận tiền của Liên hợp quốc và sẽ được tổ chức này tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ để có thể sang Mỹ định cư hoặc sang Lào trồng cây thuốc phiện để có nhiều tiền. Việc một số gia đình lần lượt chuyển đi gây hoang mang trong quần chúng nhân dân tại bản làng. UBND xã phải làm gì để ổn định tình hình, ngăn ngừa việc di cư tự do khi nghe thông tin lừa mị như đã nói ở trên? “
Hỏi: Thời gian gần đây có một số hộ gia đình người dân tộc thiểu số tại xã A thuộc tỉnh S tự động di cư vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Khi chuyển đi, những gia đình này thường nói rằng họ sống ở ngoài này bị chính quyền áp bức, bị dân tộc khác đè nén. Nếu họ đi vào trong các tỉnh Tây Nguyên có thể nhận tiền của Liên hợp quốc và sẽ được tổ chức này tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ để có thể sang Mỹ định cư hoặc sang Lào trồng cây thuốc phiện để có nhiều tiền. Việc một số gia đình lần lượt chuyển đi gây hoang mang trong quần chúng nhân dân tại bản làng. UBND xã phải làm gì để ổn định tình hình, ngăn ngừa việc di cư tự do khi nghe thông tin lừa mị như đã nói ở trên?
Đáp: Quyền tự do đi lại, cư trú theo nguyện vọng và nhu cầu cuộc sống là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Điều 68 Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, trong tình huống này, việc một số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số của xã A di cư tự do vào Tây Nguyên lại xuất phát từ chỗ số đồng bào này nghe theo những thông tin phản động, lừa mị, kích động gây chia rẽ, thù hằn dân tộc khiến họ thiếu niềm tin vào chính quyền và cộng đồng các dân tộc anh em. Đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác dân tộc. Do đó, trong trường hợp này, UBND xã cần thực hiện tốt các việc sau:
Thứ nhất, giải thích cho đồng bào dân tộc thiểu số biết về ý đồ xấu xa của một số người nào đó kích động họ chuyển đi; trong thực tế không có chuyện vào trong các tỉnh đó có thể nhận tiền của Liên hợp quốc và có điều kiện đi ra nước ngoài, có thể sang Mỹ; nếu chuyển đi thì sẽ rất khổ và khó có thể quay về được; khuyên đồng bào nên ở lại.
Đồng thời, chính quyền xã cần huy động các tổ chức chính trị – xã hội và những người có uy tín trong các dân tộc tại xã tích cực triển khai các biện pháp dân vận, bằng các hành động thực tế để nhân dân hiểu rằng chính quyền là của họ và không ai áp bức họ như thông tin bịa đặt của kẻ xấu;
Thứ hai, theo dõi, tìm hiểu, phát hiện đối tượng xấu đã thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, lừa phỉnh, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc Việt Nam để một số đồng bào dân tộc thiểu số tự động chuyển vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Đây là hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Hình sự 1999 có thể bị phạt đến 15 năm tù. Việc phát hiện và xử lý đúng mức đối tượng tung thông tin nói trên có tác dụng rất lớn để ổn định đời sống và tâm lý của nhân dân trong xã;
Thứ ba, thông báo ngay cho UBND cấp trên và Công an huyện, thị xã biết tình hình này để cơ quan chức năng có các giải pháp trước mắt cũng như các giải pháp lâu dài, toàn diện giải quyết tình hình;
Thứ tư, thực hiện các yêu cầu của cơ quan Công an cấp trên trong đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự trong khu vực do chính quyền địa phương quản lý. Nếu phát hiện người nào đó có hành vi kích động, lôi kéo thì đề nghị cơ quan Công an xử lý theo thẩm quyền.