“Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với các lô đất thuê trả tiền hàng năm (lô đất thuê gồm nhiều lô đất, thuộc nhiều thửa đất). Theo Giấy chứng nhận đầu tư, các tài sản gắn liền với đất này là cơ sở hạ tầng khu công nghiệp: hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông… Tài sản trên được đăng ký thế chấp ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hay Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm? Thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm gồm những gì? Tôi xin chân thành cảm ơn! “
Hỏi: Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với các lô đất thuê trả tiền hàng năm (lô đất thuê gồm nhiều lô đất, thuộc nhiều thửa đất). Theo Giấy chứng nhận đầu tư, các tài sản gắn liền với đất này là cơ sở hạ tầng khu công nghiệp: hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông… Tài sản trên được đăng ký thế chấp ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hay Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm? Thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm gồm những gì? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Đáp: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ thì “Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch”. Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/2/2011 của Bộ Tư pháp thì những trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp là các tài sản gắn liền với đất không thuộc thẩm quyền đăng ký của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh như: “tài sản gắn liền với đất được xây dựng trên nhiều thửa đất (tài sản liên tuyến); nhà ở, công trình xây dựng làm bằng các vật liệu tạm thời (tranh, tre, nứa, lá, đất); các công trình phụ trợ như nhà để xe, nhà bếp, nhà thép tiền chế, khung nhà xưởng, nhà kho; giếng nước; giếng khoan; giàn khoan; bể nước; sân; tường rào; cột điện; trạm điện; trạm bơm, hệ thống phát, tải điện; hệ thống hoặc đường ống cấp thoát nước sinh hoạt; đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác.”
Đối chiếu trường hợp bạn nêu với quy định trên thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện tại một trong các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/2/2011 và Điều 13 Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2014/TT-BTP ngày 26/02/2014 của Bộ Tư pháp), cụ thể như sau: Người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bản đơn yêu cầu đăng ký được kê khai đầy đủ thông tin theo hướng dẫn kê khai hoặc kê khai thông tin trên giao diện đăng ký trực tuyến nếu sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến đến một trong các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm theo các phương thức trực tiếp, bưu điện kèm theo lệ phí đăng ký (nếu là khách hàng không thường xuyên), trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử, trực tuyến (nếu là khách hàng thường xuyên).