“Quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tiếp cận thông tin được quy định như thế nào? “

Hỏi: Quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tiếp cận thông tin được quy định như thế nào?

Đáp: Theo quy định tại Điều 14 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016:
“1. Người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này.
2. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
3. Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.”

Như vậy, người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện các cơ quan cung cấp thông tin từ cấp Bộ trở xuống và các cơ quan đầu mối cung cấp thông tin gồm Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ.

Các trường hợp khiếu nại, khởi kiện liên quan tới việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin có thể là:
Người yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối cung cấp thông tin mà lý do từ chối không phù hợp với các căn cứ quy định tại Luật;
Thông tin được cung cấp không phải là thông tin mà người yêu cầu đề nghị;
Thông tin được cung cấp không đầy đủ, không chính xác nhưng không được cung cấp lại;
Quá thời hạn xem xét, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin mà chưa được cung cấp thông tin hoặc chưa nhận được thông báo của cơ quan được yêu cầu về lý do gia hạn;
Người yêu cầu phải trả chi phí tiếp cận thông tin trái với quy định của pháp luật;

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định công dân có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin (khoản 2 Điều 14). Việc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính (khoản 3 Điều 14 Luật Tiếp cận thông tin).

error: Content is protected !!