Phân tích vị trí của vấn đề quyền con người trong quan hệ quốc tế ngày nay.

Hỏi: Phân tích vị trí của vấn đề quyền con người trong quan hệ quốc tế ngày nay.

Đáp: – Cùng với sự thành lập Liên Hợp Quốc (1945) và sự ra đời của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (1948), quyền con người ngày càng trở thành mối quan tâm chung của nhân loại. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc tranh luận về nhân quyền diễn ra trên các diễn đàn quốc tế trong bối cảnh xung đột về ý thức hệ, cũng như cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Vào năm 1975, tại Helsinky (Phần Lan), 35 quốc gia (bao gồm Mỹ, Canada, Liên Xô và hầu hết các nước châu Âu) đã thông qua Thỏa ước Helsinky. Thỏa ước này nêu lên 10 nguyên tắc cụ thể, trong đó có nguyên tắc tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản. Thỏa thuận đã mở ra một thời kỳ mới của nhân quyền trên các diễn đàn quốc tế.
– Từ sau Chiến tranh Lạnh, cuộc tranh luận về nhân quyền chuyển trọng tâm sang sự khác biệt giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển (phương Bắc và phương Nam), giữa tính phổ biến của nhân quyền và đặc thù văn hóa.
– Đặc biệt, từ sau Hội nghị Nhân quyền thế giới tại Viên (1993), nhân quyền càng có vị trí quan trọng trong các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đối thoại nhân quyền song phương và đa phương ngày càng được mở rộng giữa các quốc gia.
– Cho đến gần đây, Liên minh châu Âu thực hiện đối thoại nhân quyền hàng năm với hơn hai mươi quốc gia (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Việt Nam…).
– Mặc dù vậy, cần thấy rằng việc ngày càng được chú trọng trong quan hệ quốc tế không có nghĩa mà mọi vấn đề của nhân quyền đã được đồng thuận hoàn toàn giữa các quốc gia. Song song với vị thế ngày càng cao của nó, nhiều vấn đề của nhân quyền vẫn còn gây tranh cãi trên các diễn đàn quốc tế. Kể từ khi Liên Hợp Quốc thành lập đến nay, các quốc gia, theo từng khối, nhóm, chính thức hoặc không chính thức, hay trên phương diện song phương vẫn tiếp tục tranh luận, chỉ trích nhau trên các diễn đàn quốc tế. Chỉ đơn cử, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm công bố một số báo cáo liên quan đến tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, chống buôn người và thúc đẩy dân chủ ở các quốc gia trên thế giới. Những báo cáo này năm nào cũng gây ra tranh cãi giữa Hoa Kỳ với nhiều nước. Thậm chí, phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng” với Mỹ, từ năm 1998, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cũng ra Báo cáo về tình hình nhân quyền tại Hoa Kỳ. Báo cáo này tập trung vào những hạn chế trong việc thực thi nhân quyền tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến kỳ thị chủng tộc, tỷ lệ tội phạm cao, nghèo đói, đối xử vô nhân đạo với tù nhân…

error: Content is protected !!