Phân tích nội dung những “thế hệ quyền con người”.

Hỏi: Phân tích nội dung những “thế hệ quyền con người”.

Đáp: – Năm 1977, Karel Vasak đưa ra ý tưởng về ba “thế hệ nhân quyền“ nhằm phân tích lịch sử phát triển của quyền con người.
– Thế hệ thứ nhất, các quyền dân sự, chính trị: Thế hệ nhân quyền này hướng vào hai vấn đề chính, đó là tự do và sự tham gia vào đời sống chính trị của các cá nhân. Nó bao gồm các quyền và tự do cá nhân về phương diện dân sự và chính trị, mà tiêu biểu như quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được xét xử công bằng… Thế hệ nhân quyền này gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản lật đổ chế độ phong kiến. Những văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu hiện nay đề cập đến thế hệ quyền này là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966.
– Thế hệ thứ hai, các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa: Thế hệ nhân quyền này hướng vào việc tạo lập những điều kiện và sự đối xử bình đẳng, công bằng cho mọi công dân trong xã hội. Chúng được đề xướng và vận động từ cuối thế kỷ XIX, và bắt đầu được quan tâm bởi một số chính phủ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các quyền tiêu biểu thuộc về thế hệ quyền này bao gồm quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở… Sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên (nước Nga Xô viết) vào năm 1917 và sau đó là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong nửa sau thế kỷ 20 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình pháp điển hóa thế hệ quyền này trong pháp luật quốc gia và quốc tế. Văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu nhất đề cập đến thế hệ quyền này là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội, 1966.
– Thế hệ thứ ba, các quyền tập thể: Thế hệ quyền này bao gồm các quyền tập thể, tiêu biểu như quyền tự quyết dân tộc ;quyền phát triển; quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ; quyền được sống trong hoà bình; quyền được sống trong môi trường trong lành… Danh mục các quyền thuộc thế hệ quyền này vẫn đang được bổ sung, trong đó những quyền được đề cập gần đây bao gồm: quyền được thông tin và các quyền về thông tin; quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa. Những văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu hiện nay đề cập đến thế hệ quyền này là Tuyên ngôn về trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa, 1960; Hai công ước cơ bản về nhân quyền năm 1966 là ICCPR (Điều 1), ICESCR (Điều 1); Tuyên bố về quyền của các dân tộc được sống trong hoà bình, 1984; Tuyên bố về quyền phát triển, 1986..

error: Content is protected !!