Phân tích khái niệm “các nhóm người dễ bị tổn thương” trong luật nhân quyền quốc tế.
Hỏi: Phân tích khái niệm “các nhóm người dễ bị tổn thương” trong luật nhân quyền quốc tế.
Đáp: – Khái niệm “các nhóm người dễ bị tổn thương” được sử dụng rất phổ biến trong các văn kiện pháp lý quốc tế và trong các hoạt động nghiên cứu, thực tiễn về quyền con người trên thế giới. Mặc dù không có định nghĩa chính thức chung nào, nhưng về cơ bản các nhóm người dễ bị tổn thương được dùng để chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn so với mức trung bình, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.
– Một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương trong luật quốc tế về quyền con người bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV/AIDS, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi…Theo dòng thời gian, danh sách này ngày càng được bổ sung, bao gồm những nhóm người gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh xét cả trên phạm vi quốc tế, khu vực, quốc gia, ở trong gia đình, nơi làm việc hoặc ngoài xã hội.
– Vấn đề quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương cấu thành một mảng rất lớn trong luật quốc tế về quyền con người. Phần nhiều trong số hàng trăm văn kiện quốc tế về quyền con người đã được Liên Hợp Quốc thông qua, bao gồm cả các điều ước quốc tế, là để pháp điển hóa các quyền áp dụng với các nhóm người dễ bị tổn thương nêu trên.
– Gần đây, một số tổ chức vận động cho quyền của phụ nữ lại cho rằng không nên xếp phụ nữ vào nhóm “dễ bị tổn thương”, bởi xếp như vậy là đánh giá thấp năng lực của họ và có sự phân biệt đối xử. Mặc dù vậy, có ý kiến khác cho rằng, phụ nữ cần được coi là nhóm dễ bị tổn thương để có thể bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn các quyền của họ.