Ông Tất Thành Cang nhận trách nhiệm và thừa nhận cáo trạng nêu là đúng

Bị cáo Tất Thành Cang nhận trách nhiệm và thừa nhận hành vi cáo trạng nêu là đúng; tuy nhiên ông nêu hai ý kiến trong cáo trạng cần chỉnh hoá.

Ngày 12-10, TAND TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm vụ án ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận) và tám đồng phạm vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Về tố tụng trong phiên xử này có nhiều điểm mới, HĐXX, VKS và các luật sư tiến hành xét hỏi theo từng nhóm bị cáo (cụ thể nhóm Công ty Tân Thuận, nhóm Văn phòng Thành uỷ); nhóm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (vợ hoặc chồng của tất cả các bị cáo). Các luật sư muốn tham gia xét hỏi thì sẽ đăng ký với HĐXX. Luật sư nào không tham gia thẩm vấn thì không đăng ký và chủ toạ không gọi tên.

Ông Tất Thành Cang nhận trách nhiệm và thừa nhận cáo trạng nêu là đúng ảnh 1
Bị cáo Tất Thành Cang tại phiên xử 12-10. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Qua phần xét hỏi những ngày qua, bị cáo Trần Công Thiện nay chuyển từ kêu oan sang nhận tội. Ông Thiện bị cáo buộc là người có vai trò cầm đầu, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng đất tại cả hai dự án dự án khu dân cư (KDC) Phước Kiển (xã Phước Kiển, Nhà Bè) và KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7) gây thiệt hại tổng cộng 730 tỉ đồng. Trong phiên xử hôm qua (11-10), bị cáo Thiện thừa nhận mình có sai phạm nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh.

Bị cáo Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy) trước tòa thừa nhận cáo trạng truy tố đúng, không oan sai. Theo đó, bị cáo Long là người trực tiếp soạn tờ trình gửi Văn phòng thành ủy cho Tân Thuận bán dự án Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên lại không kiểm tra quy trình soạn thảo giá và các quy định khác. Từ tờ trình của bị cáo Long gây ra vụ thất thoát 730 tỉ đồng.

Được xét hỏi sau đó, bị cáo Cang nhận trách nhiệm và thừa nhận hành vi cáo trạng nêu là đúng. Tuy nhiên, bị cáo Cang nêu hai ý kiến trong cáo trạng cần chỉnh hoá.

Thứ nhất, tại trang 38 xác định ông Cang với tư cách là Thường trực Thành ủy – là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc quản lý tài sản của Đảng bộ TP. Nhưng cũng đoạn dưới lại nêu bị cáo vi phạm, không đúng thẩm quyền ở khoản 3, khoản 4, Điều 6 Quy chế quản lý sử dụng tài sản tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Đảng bộ TP, ban hành kèm theo quyết định 1087.

Trong khi quyết định 1087 nêu Ban Thường vụ Thành ủy ủy quyền cho Chánh Văn phòng Thành ủy làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tài sản Đảng bộ và thực hiện quyền chủ sở hữu, phê duyệt điều lệ của doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ TP. Do đó, Chánh Văn phòng Thành ủy là người đứng đầu cao nhất chứ không phải là ông.

Thứ hai, ông đề nghị xem xét toàn diện, khách quan bối cảnh của vụ việc. Đồng thời khẳng định “Bị cáo thực hiện không vì bất cứ mục đích cá nhân nào khác mà chỉ thực hiện để củng cố công tác tổ chức, hoạt động của Đảng bộ về phần nội bộ kinh tế Đảng”.

Cạnh đó, ông Cang cho rằng chính mình là người đã chỉ đạo phải bám sát giá thị trường để điều chỉnh kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục…

Chiều nay ông Cang tiếp tục trả lời thẩm vấn của HĐXX.

Văn phòng Thành uỷ mong bản án công tâm, nhân văn
Trong vụ án này, HĐXX có triệu tập Văn phòng Thành ủy với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nhưng đơn vị này có đơn xin xét xử vắng mặt và có đơn nêu ý kiến.

Theo đơn, Văn phòng Thành ủy vắng mặt do có nhiều công việc quan trọng phải xử lý gấp. Văn phòng Thành ủy đề nghị HĐXX căn cứ các quy định pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng bộ TP.HCM trong vụ án mà Văn phòng Thành ủy là đại diện chủ sở hữu.

Cạnh đó, Văn phòng Thành ủy kiến nghị HĐXX xem xét động cơ, hành vi của các bị cáo sai phạm do nôn nóng, hạn chế trong công việc. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét khách quan, bảo đảm bản án công tâm, nhân văn.

Theo PLO

error: Content is protected !!