Ông Tất Thành Cang khóc khi xin giảm nhẹ cho cấp dưới
Chiều 14-10, TAND TP.HCM tiếp tục tranh luận vụ án ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận) và tám đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Mở đầu phần tự bào chữa, ông Cang nói buổi sáng hơi bị sốc. Sau đó, ông đồng tình một phần bài bào chữa của hai luật sư. “Qua năm ngày xét xử vừa qua, đặc biệt là phần thẩm vấn của HĐXX, bị cáo nhận thấy việc quản lý tài sản kinh tế Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Những hạn chế này trải qua trong thời gian dài, tồn tại trong công tác quản lý kinh tế và công tác cán bộ” – bị cáo Cang trình bày.
Bị cáo nhận thấy trách nhiệm và cho rằng các bị cáo còn lại cũng không nên đùn đẩy trách nhiệm. Mỗi bị cáo phải nhận trách nhiệm của mình, nếu làm hết trách nhiệm, đúng pháp luật thì hậu quả đã không xảy ra.
Theo ông Cang, giai đoạn 2013-2016, nhân sự tại Thành ủy TP.HCM có nhiều biến động, xáo trộn nên ông phải xử lý nhiều công việc. Về việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Cang cho rằng không có động cơ cá nhân và không chối bỏ trách nhiệm khi bút phê đồng ý chuyển nhượng.
Tuy nhiên, ông Cang cho rằng khi phát hiện có sai phạm trong việc chuyển nhượng thì ông rất quyết tâm trong việc chỉ đạo xử lý hậu quả. Còn việc phát sinh tiền lãi sau khi hủy hợp đồng chuyển nhượng thì cựu phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng nằm ngoài mong muốn, ý chí chủ quan của mình.
Ông Cang cho rằng mức án VKS đề nghị từ 8-10 năm tù là quá nặng khi mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ như quá trình công tác luôn hoàn thành nhiệm vụ, có nhiều đóng góp, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tám bị cáo còn lại đề nghị phải tự xem lại trách nhiệm của mình, tự cảnh tỉnh…
Về dân sự, ông Cang cho rằng đại diện VKS xác định thiệt hại trong “thương vụ” chuyển nhượng dự án Phước Kiển đã được khắc phục nhưng cơ quan tố tụng vẫn đang kê biên của ông một căn nhà. Từ đó, ông đề nghị tòa xem xét. Nếu có thiệt hại, bị cáo và gia đình sẽ bồi thường, nộp lại một phần tiền khắc phục hậu quả.
Nhắc tới bị cáo Phạm Văn Thông (phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM), ông Cang nghẹn giọng rồi bật khóc, phải một lúc sau mới bình tĩnh trình bày tiếp và xin giảm nhẹ cho cựu cấp dưới này. Cuối cùng, ông Cang mong tòa xem xét, đánh giá toàn bộ nội dung vụ án nhằm có một phán quyết công tâm, khách quan, nhân văn.
Tòa kê biên thêm hai bất động sản
Trong phần tranh luận, HĐXX thông báo sau khi thẩm tra, kiểm tra chứng cứ, đến nay đã kê biên 21 bất động sản là nhà và đất của tất cả bị cáo. Trong 21 bất động sản bị kê biên này có một bất động sản của bị cáo Tất Thành Cang.
Đáng chú ý, quá trình xét xử, căn cứ vào kết quả xét hỏi, HĐXX kê biên thêm hai bất động sản đều ở quận 3 của bị cáo Nguyễn Xuân Tùng và giao cho vợ bị cáo có trách nhiệm bảo quản đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Giải thích tại tòa, HĐXX cho biết căn cứ Điều 128 BLTTHS 2015, việc kê biên tài sản để HĐXX xem xét khi nghị án và giải quyết toàn diện vụ án. Cụ thể, HĐXX căn cứ trên tất cả chứng cứ đã thẩm tra, kiểm tra công khai tại tòa và căn cứ đề nghị của VKS. Đề nghị của VKS chỉ là căn cứ để HĐXX xem xét, đó không phải là quyết định để HĐXX giải quyết vụ án.
Do đó, việc kê biên tài sản mới này, HĐXX sẽ chịu trách nhiệm trước quy định pháp luật. Kê biên tài sản của bị cáo và tài sản liên quan đến bị cáo để bảo đảm phạt tiền, tịch thu (nếu có) và bảo đảm bồi thường. Khi nghị án, nếu trường hợp nào kê biên chưa phù hợp quy định pháp luật, HĐXX sẽ giải tỏa kê biên tại bản án.
Theo PLO