Những quan điểm khác về đối tượng điều chỉnh
Hỏi: Những quan điểm khác về đối tượng điều chỉnh
Đáp: – Có quan điểm cho rằng, luật hành chính chỉ điều chỉnh các quan hệ chấp hành và điều hành thuộc nhóm thứ nhất. Song quan điểm này không chính xác, vì không hoàn toàn phù hợp với thực tế.
– Quan điểm hẹp hơn, đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình thành lập, xây dựng cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý. Nhưng quan điểm này đã loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật hành chính bộ phận quan trọng nhất phản ánh chính bản chất của hoạt động HCNN- hoạt động tác động hướng ra ngoài, quản lý các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội.
– Có quan niệm cho rằng, luật hành chính không chỉ điều chỉnh hoạt động chấp hành và điều hành của các CQNN, mà còn điều chỉnh cả hoạt động quản lý của các tổ chức xã hội. Quan niệm này theo quan điểm của của khoa học pháp lý xã hội chủ nghĩa, nay không còn chính xác. Việc một số tổ chức xã hội được giao một số quyền hạn thực hiện chức năng hành chính nhà nước không là minh chứng cho quan niệm này. Hơn nữa, việc quản lý tổ chức và hoạt động nội bộ trong các tổ chức xã hội được điều lệ của tổ chức đó quy định, nghĩa là không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hành chính.
– Luật hành chính điều chỉnh tất cả các lĩnh vực hoạt động HCNN mà trước hết là lĩnh vực quản lý kinh tế, nhưng có trường phái ở Liên Xô cũ phủ nhận điều này. Họ cho rằng các QHHCNN trong lĩnh vực kinh tế (quy mô hình thành doanh nghiệp, thành lập, sắp xếp, giải thể…) và các quan hệ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh tế giữa các xí nghiệp, đơn vị kinh tế của Nhà nước và tập thể liên quan chặt chẽ với nhau không thể tách rời và tạo thành một thể duy nhất là các quan hệ kinh tế và được điều chỉnh bởi ngành luật kinh tế. Song, trên thực tế quản lý kinh tế là một bộ phận cấu thành đặc biệt của hoạt động HCNN. Nó thể hiện vai trò của nhà nước trong việc lãnh đọa, điều tiết nền kinh tế, quan hệ giữa nhà nước nói chung hoặc CQHCNN nói riêng với các đơn vị, tổ chức kinh tế, là quan hệ mang tính chấp hành và điều hành với đặc trưng là tính quyền lực- phục tùng. Vì vậy, các quan hệ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, được luật hành chính VN điều chỉnh.
– Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính châu Âu lục địa và Anh- Mỹ.
Luật hành chính Pháp là điển hình cho hệ thống luật châu Âu lục địa, tuy có những nét tương đồng với luật hành chính XHCN, nhưng có những chế định quan trọng mà luật hành chính XHCN không có, như Nhà nước và các cộng đồng lãnh thổ- mà theo hệ thống PL XHCN là thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hiến pháp, vấn đề phân quyền, các tổ chức dịch vụ công và hoạt động dịch vụ công, hợp đồng hành chính, hoạt động của cảnh sát…
Luật hành chính Ănglô – Xắcxông, điển hình là Mỹ thì tập trung vào những thủ tục tố tụng, bảo vệ các quyền cá nhân chống lại những hành động chuyên quyền của các CQNN; điều chỉnh chi tiết tất cả các khía cạnh của quan hệ giữa các cá nhân với các CQNN. Theo quan điểm của các luật gia Mỹ, luật hành chính Mỹ như là tổng thể những QPPL nhằm bảo vệ những cá nhân trước sự chuyên quyền của bộ máy quan liêu: “Luật hành chính là pháp luật kiểm tra nền hành chính chứ không phải pháp luật được tạo nên bởi nền hành chính”. Do đó, có thể gọi luật hành chính là “luật thủ tục hành chính”.