Những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự quốc tế?

Hỏi: Những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự quốc tế?

Đáp: Nguyên tắc tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp của Nhà nước nước ngoài và những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Nguyên tắc này có nguồn gốc từ tập quán quốc tế, xuất phát từ các học thuyết về chủ quyền quốc gia nên hệ thống pháp luật các nước đều có các quy định về quyền miễn trừ đối với quốc gia trong quan hệ tố tụng dân sự quốc tế. Theo đó, các quốc gia là những chủ thể ngang bằng về địa vị pháp lý không có quyền tài phán lẫn nhau. Trong tố tụng dân sự quốc tế, các cơ quan tư pháp của một nước không có quyền xét xử hay áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho thi hành án đối với quốc gia khác và tài sản của quốc gia khác.
Nguyên tắc Luật Tòa án (Lex fori). Đây là nguyên tắc chủ đạo và quan trọng nhất của tố tụng dân sự quốc tế. Theo nguyên tắc này thì khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, về mặt tố tụng thì tòa án có thẩm quyền chỉ áp dụng luật tố tụng của nước mình trừ trường hợp ngoại lệ được quy định trong pháp luật từng nước hoặc trong các Điều ước quốc tế mà nước đó tham gia. Cũng tức là khi giải quyết các vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền chỉ áp dụng pháp luật nước có Tòa án đó bao gồm luật tố tụng, luật nội dung và tư pháp quốc tế.
Ngoài ra còn có các nguyên tắc sau: nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia của nhau; nguyên tắc đối xử quốc gia, tức là luôn bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt giữa các bên đương sự trong quá trình tố tụng; nguyên tắc có đi có lại, cùng có lợi.
Tại Việt Nam, khi giải quyết các vụ việc dân sự về hôn nhân, gia đình, lao động hay thương mại .có yếu tố nước ngoài thì về mặt nguyên tắc, tòa án Việt Nam chỉ áp dụng luật tố tụng dân sự Việt Nam. Tuy nhiên trong quan hệ với các nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự thì Tòa án Việt Nam khi thực hiện việc ủy thác tư pháp theo đề nghị của quốc gia yêu cầu thì có thể áp dụng pháp luật của nước kí kết với cơ quan yêu cầu đó, với điều kiện chúng không mâu thuẫn với pháp luật của Việt Nam.

error: Content is protected !!