“Luật Tiếp cận thông tin có cơ chế nào bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người mất hoặc chưa đủ năng lực hành vi dân sự? “

Hỏi: Luật Tiếp cận thông tin có cơ chế nào bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người mất hoặc chưa đủ năng lực hành vi dân sự?

Đáp: Thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin là bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tại khoản 6 Điều 3.

Theo khoản 1 Điều 18, các hình thức công khai thông tin bao gồm:
Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
Đăng Công báo;
Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác;
Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;
Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.

Ngoài các hình thức công khai thông tin quy định trên, cơ quan nhà nước phải xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân, theo khoản 3 Điều 18.

Trong trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu, cơ quan nhà nước cũng cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin là người khuyết tật, người không biết chữ.
Ví dụ: người tiếp nhận thông tin giúp họ điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.

Cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm đa dạng hóa các hình thức, phương thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí thiết bị nghe – nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.
Thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người mất hoặc chưa đủ năng lực hành vi dân sự
Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi. Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 4, những đối tượng này thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, người giám hộ, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.

Như vậy, Luật Tiếp cận thông tin bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bằng các hình thức phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân; đối với người mất hoặc chưa đủ năng lực hành vi dân sự, những đối tượng này thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, người giám hộ.

error: Content is protected !!