Hai vợ chồng tôi ly hôn khi con chúng tôi được 10 tuổi. Lúc giải quyết ly hôn, toà án giao quyền trực tiếp nuôi con cho mẹ bé. Sau đó 2 năm, mẹ bé lấy chồng khác. Vậy ba của bé có quyền nuôi con không?

Hỏi: Hai vợ chồng tôi ly hôn khi con chúng tôi được 10 tuổi. Lúc giải quyết ly hôn, toà án giao quyền trực tiếp nuôi con cho mẹ bé. Sau đó 2 năm, mẹ bé lấy chồng khác. Vậy ba của bé có quyền nuôi con không?

Đáp: 1. Sau khi ly hôn, người được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con có quyền nuôi con, đồng thời, có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình theo khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình”.

2. Việc người trực tiếp nuôi con lấy vợ hoặc lấy chồng không phải là căn cứ đương nhiên dẫn đến việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”.

Như vậy, chỉ khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 gồm:
(1) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
(2) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và khi có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014,
thì Tòa án mới xem xét, quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

3. Đối chiếu với trường hợp cụ thể nêu trên, nếu ba cháu bé có nguyện vọng thay đổi người trực tiếp nuôi con thì ba cháu có thể yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Trong đơn yêu cầu cần thể hiện được các căn cứ như: Ba và mẹ cháu bé có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc mẹ của cháu bé không còn đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con (điều kiện kinh tế, điều kiện tinh thần, phẩm chất đạo đức, điều kiện sức khỏe, điều kiện công việc và thời gian dành cho con, điều kiện môi trường sống,…).

Ghi chú: đối với trường hợp cháu bé đã 10 tuổi thì Tòa án sẽ xem xét đến nguyện vọng của con trong việc quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

error: Content is protected !!