“Gia đình tôi có bác trai cả mới đi tù về đầu tháng 1/2018. Ngày 25/3/2018, bác tôi có cầm cái phích nước đập vào đầu ông nội tôi khiến ông tôi phải nhập viện. Ông bà tôi (bố mẹ của bác) hiện tại muốn làm đơn tố cáo để đưa bác vào tù lại thì có được không ạ? “
Hỏi: Gia đình tôi có bác trai cả mới đi tù về đầu tháng 1/2018. Ngày 25/3/2018, bác tôi có cầm cái phích nước đập vào đầu ông nội tôi khiến ông tôi phải nhập viện. Ông bà tôi (bố mẹ của bác) hiện tại muốn làm đơn tố cáo để đưa bác vào tù lại thì có được không ạ?
Đáp: Theo quy định pháp luật hiện hành, với hành vi trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác. Cụ thể tại Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, tùy thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông nội bạn mà hành vi dùng phích nước đập vào đầu ông nội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nói trên và bạn hoàn toàn có thể khai báo về hành vi này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ hành vi gây thương của bác trai cả của bạn.
Ngoài ra, theo các quy định về Xóa án tích, người bị kết án bị coi vẫn mang án tích (tiền án), nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo mà thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: (i) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; (ii) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; (iii) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; (iv) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Người mang án tích (chưa được xóa án tích) mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn nói trên sẽ là căn cứ để xác định tái phạm và tái phạm nguy hiểm và người phạm tội sẽ phải chịu hậu quả pháp lý nặng hơn so với trường hợp bình thường khác.
Trong trường hợp trên, bác trai cả của bạn mới đi tù về đầu tháng 1/2018 và ngày 25/3/2018, bác trai cả của bạn có hành vi cầm cái phích nước đập vào đầu ông nội của bạn, vì vậy, bác trai cả của bạn chưa đủ điều kiện được xóa án tích hay nói cách khác là vẫn đang mang án tích (tiền án). Do đó, ông bà bạn hoàn toàn có thể làm đơn tố cáo tới cơ quan điều tra xác minh hành vi trên và nếu hành vi cầm cái phích nước đập vào đầu ông nội của bạn đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 thì hành vi này sẽ là căn cứ để tính tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được quy định tại điều 53 BLHS 2015.