“Em và bạn trai đã chia tay vì lý do không hợp. Hiện tại, em đang có bầu ở tuần 30 và người ấy sắp cưới vợ. Vậy, em có thể kiện đòi cấp dưỡng từ cha đứa bé không? Nếu có, em cần làm những thủ tục gì? “

Hỏi: Em và bạn trai đã chia tay vì lý do không hợp. Hiện tại, em đang có bầu ở tuần 30 và người ấy sắp cưới vợ. Vậy, em có thể kiện đòi cấp dưỡng từ cha đứa bé không? Nếu có, em cần làm những thủ tục gì?

Đáp: 1. Bạn có thể kiện đòi cấp dưỡng từ cha của đứa bé
Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, bạn có thể yêu cầu cha của con bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp cha của đứa bé trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, do bạn và người đó không có giấy đăng ký kết hôn, vì vậy, để được yêu cầu cấp dưỡng cho con thì bạn cần thực hiện một số thủ tục cần thiết.
2. Các thủ tục cần phải thực hiện
a) Thủ tục xác định cha cho con
Sau khi sinh con, bạn cần làm thủ tục xác định cha cho con theo quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 24, 25 Luật hộ tịch năm 2014. Theo đó, thẩm quyền và thủ tục xác định cha cho con được chia làm hai trường hợp như sau:
(1) Trường hợp xác định cha cho con không có tranh chấp:
Về thẩm quyền giải quyết xác định cha cho con, theo khoản 1 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha cho con theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Theo quy định của pháp luật về hộ tịch mà cụ thể là Điều 24 Luật hộ tịch năm 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha thực hiện đăng ký nhận cha.
Về thủ tục đăng ký nhận cha, Điều 25 Luật hộ tịch quy định như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.
Về chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, theo Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch thì chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
2. Trường hợp không có văn bản trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Như vậy, trong trường hợp không có tranh chấp khi xác định cha cho con thì bạn phải nộp tờ khai đăng ký nhận cha theo mẫu và bản kết quả AND hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha con cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha đứa bé hoặc đứa bé. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, khi đăng ký nhận cha, các bên phải cùng có mặt.
(2) Trường hợp xác định cha cho con có tranh chấp:
Về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha cho con, theo khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp. Theo điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp về xác định cha, mẹ, con theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn (cha đứa bé) cư trú, làm việc.
Về thủ tục khởi kiện, bạn gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Hồ sơ bao gồm:
– Đơn khởi kiện (về việc xác định cha cho con).
– Chứng minh thư nhân dân của bạn (bản sao có chứng thực).
– Sổ hộ khẩu của bạn (bản sao có chứng thực).
– Giấy khai sinh của con bạn (bản sao).
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con.
Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, tòa án sẽ thụ lí và giải quyết vụ án theo trình tự tố tụng dân sự.
b) Thủ tục yêu cầu cấp dưỡng
Khi thực hiện xong thủ tục xác định cha cho con, bạn có thể yêu cầu người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con của bạn. Trong trường hợp cha của đứa bé trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ, cụ thể:
Về thẩm quyền giải quyết, theo điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp về cấp dưỡng theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn (cha đứa bé) cư trú, làm việc.
Về thủ tục khởi kiện, bạn gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;
+ Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân;
+ Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;
+ Giấy tờ chứng minh rằng giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu có quan hệ cha, mẹ, con.
Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, tòa án sẽ thụ lí và giải quyết vụ án theo trình tự tố tụng dân sự.
Lưu ý: Trong trường hợp xác định cha cho con có tranh chấp, để thuận tiện cho bạn thì bạn có thể đồng thời yêu cầu tòa án xác cha cho con và yêu cầu buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Khi đó, trong đơn khởi kiện của bạn phải ghi rõ hai yêu cầu là yêu cầu công nhận người kia là cha và yêu cầu cấp dưỡng.

error: Content is protected !!