“Con gái nuôi của bố mẹ tôi đã lập gia đình và có 3 người con thì bị bệnh tâm thần. Do bị gia đình chồng xua đuổi nên chị ấy đến ở nhà tôi từ năm 2012 đến nay. Tôi muốn hỏi, bố mẹ tôi có trách nhiệm phải nuôi dưỡng chị ấy không? Hộ khẩu của chị ấy bên nhà chồng, hàng tháng người chồng vẫn đang hưởng trợ cấp đối với người tâm thần. Nếu bố mẹ tôi không nuôi dưỡng nữa thì có vi phạm pháp luật không (bố tôi 59 tuổi là thương binh, mẹ tôi 58 tuổi, làm ruộng) “
Hỏi: Con gái nuôi của bố mẹ tôi đã lập gia đình và có 3 người con thì bị bệnh tâm thần. Do bị gia đình chồng xua đuổi nên chị ấy đến ở nhà tôi từ năm 2012 đến nay. Tôi muốn hỏi, bố mẹ tôi có trách nhiệm phải nuôi dưỡng chị ấy không? Hộ khẩu của chị ấy bên nhà chồng, hàng tháng người chồng vẫn đang hưởng trợ cấp đối với người tâm thần. Nếu bố mẹ tôi không nuôi dưỡng nữa thì có vi phạm pháp luật không (bố tôi 59 tuổi là thương binh, mẹ tôi 58 tuổi, làm ruộng)
Đáp: Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.” Như vậy, chị bạn bị coi là mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự khi và chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai, về việc xác định người có trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng người bị mất năng lực hành vi dân sự
Khoản 3 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”. Theo đó, tại khoản 2 Điều 69 và khoản 3 Điều 70 Luật này quy định: (1) Cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; (2) Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Tuy nhiên, như bạn trình bày, chị bạn bị bệnh tâm thần sau khi đã kết hôn. Vì vậy, việc xác định người giám hộ trong trường hợp này cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự. Điều 62 Bộ luật dân sự 2005 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”
Theo quy định nêu trên, trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ đương nhiên. Chỉ khi vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ. Như vậy, trường hợp của bạn nêu thì chồng của chị bạn là người có trách nhiệm phải trông nom, chăm sóc chị bạn.