“Có được hưởng di sản thừa kế khi chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn? Hỏi: Ông Nguyễn Văn Sinh chung sống như vợ chồng với bà Hoàng Thị Ly vào năm 1970 (không đăng ký kết hôn) và sinh ra một người con là bà Hoa. Ngày 10/6/1979, bà Ly mang trầu cau đi hỏi vợ hai cho ông Sinh là bà Nguyễn Thị Huệ, ông Sinh đồng ý. Bà Huệ chung sống hạnh phúc với ông Sinh, bà Ly và sinh ra một người con là ông Hưng. Năm 1985, vì có mâu thuẫn nên bà Ly đuổi bà Huệ ra khỏi nhà, nhưng ông Hưng vẫn chung sống với bà Ly, ông Sinh. Vậy: 1. Bà Huệ và bà Ly có phải là vợ của ông Sinh không? 2. Năm 2010, ông Sinh chết và có để lại 1 mảnh đất 140m2, mảnh đất này được mua năm 1985. Những ai được thừa kế mảnh đất trên? “

Hỏi: Có được hưởng di sản thừa kế khi chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn?
Hỏi:
Ông Nguyễn Văn Sinh chung sống như vợ chồng với bà Hoàng Thị Ly vào năm 1970 (không đăng ký kết hôn) và sinh ra một người con là bà Hoa.
Ngày 10/6/1979, bà Ly mang trầu cau đi hỏi vợ hai cho ông Sinh là bà Nguyễn Thị Huệ, ông Sinh đồng ý. Bà Huệ chung sống hạnh phúc với ông Sinh, bà Ly và sinh ra một người con là ông Hưng.
Năm 1985, vì có mâu thuẫn nên bà Ly đuổi bà Huệ ra khỏi nhà, nhưng ông Hưng vẫn chung sống với bà Ly, ông Sinh. Vậy:
1. Bà Huệ và bà Ly có phải là vợ của ông Sinh không?
2. Năm 2010, ông Sinh chết và có để lại 1 mảnh đất 140m2, mảnh đất này được mua năm 1985. Những ai được thừa kế mảnh đất trên?

Đáp: 1. Về việc xác định vợ của ông Sinh
Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch: “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.”
Tức là, đối với trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng).
Đối chiếu với trường hợp của ông Sinh và bà Ly, 02 người đã chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và sinh ra một người con chung, do đó, quan hệ vợ chồng của họ được pháp luật công nhận.
Tại thời điểm ông Sinh xác lập quan hệ chung sống với bà Huệ vào năm 1979, ông Sinh đang có vợ là bà Ly. Do đó, quan hệ chung sống giữa ông Sinh và bà Huệ vi phạm nguyên tắc, chế độ hôn nhân một vợ – một chồng được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình. Tức là, quan hệ chung sống giữa ông Sinh và bà Huệ không được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.

Như vậy, qua phân tích trên, bà Ly là vợ của ông Sinh còn bà Huệ không phải là vợ của ông Sinh.
2. Về việc thừa kế di sản của ông Sinh
Thứ nhất, về xác định di sản thừa kế
Sau khi ông Sinh chết, phần di sản của ông (bao gồm phần tài sản riêng và phần tài sản của ông trong tài sản chung với người khác) được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trong trường hợp mảnh đất 140m2 nêu trên là tài sản riêng của ông Sinh thì phần di sản được chia là mảnh đất đó. Trong trường hợp mảnh đất 140m2 nêu trên là tài sản chung của vợ chồng ông Sinh, bà Ly thì phần di sản được chia chỉ bao gồm phần tài sản của ông trong tài sản chung với vợ.
Thứ hai, về thời hiệu thừa kế
Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính quy định: “Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Như vậy, theo quy định trên, các nội dung liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác.
Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Đối chiếu với trường hợp trên, ông Sinh chết năm 2010, do vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thời hiệu thừa kế đối với di sản thừa kế là bất động sản của ông Sinh vẫn còn.
Thứ ba, về những người được thừa kế tài sản của ông Sinh
Trong trường hợp ông Sinh chết có để lại di chúc thì việc xác định những người được thừa kế di sản sẽ thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, lưu ý quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.
Trong trường hợp ông Sinh chết không để lại di chúc thì sẽ áp dụng quy định thừa kế theo pháp luật để chia di sản. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Sinh bao gồm: Bà Ly; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của ông Sinh (nếu những người này vẫn còn); bà Hoa và ông Hưng. Lưu ý quy định tại Điều 621 BLDS năm 2015 như sau:
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, việc xác định những người được thừa kế di sản của ông Sinh sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp như đã phân tích ở trên.

error: Content is protected !!