“Chúng tôi đã kết hôn được 7 năm và con chúng tôi đã được 6 tuổi. Thời gian vừa rồi, chúng tôi cãi nhau và vợ tôi đã ngoại tình với người khác. Pháp luật sẽ xử phạt trường hợp này như thế nào? “
Hỏi: Chúng tôi đã kết hôn được 7 năm và con chúng tôi đã được 6 tuổi. Thời gian vừa rồi, chúng tôi cãi nhau và vợ tôi đã ngoại tình với người khác. Pháp luật sẽ xử phạt trường hợp này như thế nào?
Đáp: Hành vi “ngoại tình” là gì:
Mặc dù trong thực tiễn cuộc sống, cụm từ “ngoại tình” thường được sử dụng để chỉ vợ hoặc chồng có mối quan hệ tình cảm với một người thứ ba. Tuy nhiên, đây không phải là một thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Để xác định hành vi của vợ bạn có vi phạm pháp luật và có bị xử lý không thì cần căn cứ vào các quy định sau:
Pháp luật Hôn nhân và gia đình quy định một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình đó là: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hành vi “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác…” bị coi là một hành vi bị cấm trong Luật này.
Thuật ngữ “chung sống như vợ chồng với người khác” được giải thích tại Điều 2 Luật này là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 đã giải thích cụ thể hơn và rõ hơn về thuật ngữ này: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”.
Do đó, dưới góc độ pháp luật, có thể hiểu bản chất của hành vi ngoại tình là hành vi của người đã có vợ hoặc chồng nhưng lại đi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác và pháp luật Hôn nhân gia đình cấm hành vi này.
Xử phạt vi phạm hành chính:
Pháp luật quy định người nào thực hiện hành vi ngoại tình sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.”
Xử phạt theo quy định hình sự
Căn cứ theo Điều 182 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, có thể căn cứ vào các quy định kể trên để xác định hành vi của vợ hoặc chồng có thuộc trường hợp điều chỉnh của pháp luật không.