“Chính quyền xã thuộc khu vực biên giới phát hiện cột mốc quốc giới bị đào lên khỏi vị trí ban đầu và đặt sâu vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 500 mét. Những dòng chữ trên mốc quốc giới bị đập phá không nhìn rõ chữ và số. Chính quyền xã xác định thời gian xảy ra sự việc vào đêm hôm trước vì chiều hôm trước, đội tuần tra biên giới vẫn thấy cột mốc quốc giới ở vị trí cũ. UBND xã phải làm gì trong tình huống này? “

Hỏi: Chính quyền xã thuộc khu vực biên giới phát hiện cột mốc quốc giới bị đào lên khỏi vị trí ban đầu và đặt sâu vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 500 mét. Những dòng chữ trên mốc quốc giới bị đập phá không nhìn rõ chữ và số. Chính quyền xã xác định thời gian xảy ra sự việc vào đêm hôm trước vì chiều hôm trước, đội tuần tra biên giới vẫn thấy cột mốc quốc giới ở vị trí cũ. UBND xã phải làm gì trong tình huống này?

Đáp: Điều 29 Luật Biên giới quốc gia 2003 quy định, biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới phải được giữ gìn, quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Người phát hiện mốc quốc giới bị hư hại, bị mất, bị sai lệch vị trí làm chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia hoặc công trình biên giới bị hư hại phải báo ngay cho Bộ đội biên phòng hoặc chính quyền địa phương, cơ quan nơi gần nhất.
Điều 10 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia có quy định, khi phát hiện hoặc nhận được tin báo mốc quốc giới bị hư hại, bị mất, bị sai lệch vị trí, Đồn biên phòng gần nhất phải tiến hành các thủ tục cần thiết để có biện pháp kịp thời xử lý, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan, đơn vị bảo vệ biên giới nước láng giềng để giải quyết theo thẩm quyền do Hiệp định về biên giới đã ký kết quy định.
Trong trường hợp này, UBND xã cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, lập biên bản về việc cột mốc đã bị thay đổi, đã bị phá và bị làm sai lệch khỏi vị trí ban đầu; cử người canh gác, giữ nguyên hiện trạng cột mốc;
Thứ hai, thông báo ngay cho UBND huyện và Đồn biên phòng có trách nhiệm quản lý cột mốc để Đồn biên phòng thực hiện những việc làm cần thiết trong việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc quốc giới;
Thứ ba, xác minh trong khu vực địa phương mình xem ai biết về diễn biến tình hình cột mốc bị đập phá và bị thay đổi như thế nào để xác định trách nhiệm pháp lý;
Thứ tư, thực hiện những việc làm khác theo chỉ đạo của UBND cấp trên và Bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ mốc quốc giới tại địa phương mình.

error: Content is protected !!