“Cha tôi qua đời (không để lại di chúc) có để lại di sản là một mảnh đất, đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật từ 10 năm trước, không có tranh chấp phát sinh khi ông còn sống. Khi gia đình làm các thủ tục phân chia di sản thì Phòng Công chứng làm hồ sơ, niêm yết tại UBND xã nơi cha tôi có hộ khẩu và nơi có mảnh đất. Tại nơi có mảnh đất có một cá nhân tự nhận có tranh chấp, có văn bản đề nghị UBND xã và Phòng Công chứng không tiếp tục phân chia di sản. Phòng Công chứng đã ngừng việc phân chia, đề nghị gia đình tôi khởi kiện, sẽ phân chia lại khi có Bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Gia đình tôi đề nghị người tự nhận tranh chấp tiến hành khởi kiện bảo vệ quyền lợi nếu anh ta cho rằng anh ta có quyền. Nhưng anh ta không làm gì cả vì biết rằng sự việc sẽ dừng lại, đó là ý muốn của anh ta. Tôi xin hỏi trong tình huống này để tiếp tục được phân chia di sản thì gia đình tôi phải làm gì (không tính phương án đàm phán với người tự nhận tranh chấp)? “
Hỏi: Cha tôi qua đời (không để lại di chúc) có để lại di sản là một mảnh đất, đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật từ 10 năm trước, không có tranh chấp phát sinh khi ông còn sống. Khi gia đình làm các thủ tục phân chia di sản thì Phòng Công chứng làm hồ sơ, niêm yết tại UBND xã nơi cha tôi có hộ khẩu và nơi có mảnh đất. Tại nơi có mảnh đất có một cá nhân tự nhận có tranh chấp, có văn bản đề nghị UBND xã và Phòng Công chứng không tiếp tục phân chia di sản. Phòng Công chứng đã ngừng việc phân chia, đề nghị gia đình tôi khởi kiện, sẽ phân chia lại khi có Bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Gia đình tôi đề nghị người tự nhận tranh chấp tiến hành khởi kiện bảo vệ quyền lợi nếu anh ta cho rằng anh ta có quyền. Nhưng anh ta không làm gì cả vì biết rằng sự việc sẽ dừng lại, đó là ý muốn của anh ta.
Tôi xin hỏi trong tình huống này để tiếp tục được phân chia di sản thì gia đình tôi phải làm gì (không tính phương án đàm phán với người tự nhận tranh chấp)?
Đáp: Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Theo thông tin mà bạn cung cấp có thể thấy cá nhân tự nhận có tranh chấp quyền sử dụng đất với gia đình bạn mới chỉ gửi văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Công chứng để ngăn cản việc phân chia di sản là quyền sử dụng đất này. Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật đất đai năm 2013 thì việc gửi đơn này được xác định là thủ tục yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai. Căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật đất đai và Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp xã trong vòng 45 ngày sẽ thực hiện các công việc sau:
– Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
– Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
– Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Sau khi tiến hành hòa giải nếu không thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ hướng dẫn cá nhân kia gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo luật định. Trường hợp cá nhân kia không gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền như tòa án hoặc ủy ban nhan dân cấp huyện thì quyền sử dụng đất của gia đình bạn sẽ không bi coi là đất đang có tranh chấp và được tiếp tục phân chia theo các quy định về thừa kế. Tuy nhiên trong thời gian thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai quyền sử dụng đất của gia đình bạn sẽ không được làm thủ tục phân chia.
Do vậy, trong trường hợp này bạn và gia đình cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại xã và sau khi kết thúc thủ tục này gia đình bạn có thể tiếp tục phân chia di sản. Sau đó, nếu cá nhân này tiếp tục có đơn tới xã yêu cầu tạm dừng phân chia di sản của gia đình bạn mà không thực hiện việc gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền thì gia đình bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thụ lý. Trường hợp có công văn xác minh không tiếp nhận đơn yêu cầu của đối tượng này thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành trả đơn yêu cầu và tiếp tục thực hiện việc phân chia cho gia đình bạn.
Trên đây là một số tư vấn về trường hợp của gia đình bạn. Trên thực tế, mỗi địa phương sẽ có quy định riêng và có các thông báo được niêm yết công khai về quy trình giải quyết tranh chấp đất đai. Trên thực tế tại một số địa phương đã có trường hợp gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp nhưng không cung cấp được chứng cứ, cũng như không gửi đơn khởi kiện tại Tòa án và mỗi cơ quan sẽ có cách xử lý linh hoạt theo quy định của từng địa phương. Bạn và gia đình cần tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để nắm được quy trình cụ thể. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, khi gia đình bạn đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đối tượng yêu cầu giải quyết tranh chấp không đưa ra được chứng cứ phù hợp tại Ủy ban nhân dân, cũng như không tiến hành khởi kiện thì đất của bạn sẽ vẫn được xác định là đất không có tranh chấp thuộc sở hữu của gia đình bạn. Và gia đình bạn không cần tự khởi kiện để bảo đảm quyền lợi của mình.