“Bố mẹ em có 03 người con trai. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố ( đã mất) và mẹ ( bị sai tên đã được đính chính). Bố mất không để lại di chúc. Cả 03 người con đều đồng ý để lại di sản cho mẹ. Hỏi: (i) Ông nội và bà nội có quyền thừa kế di sản của bố không? Hiện nay, ông bà nội đã mất, trong thủ tục có đòi hỏi giấy chứng tử của ông bà nội không? “
Hỏi: Bố mẹ em có 03 người con trai. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố ( đã mất) và mẹ ( bị sai tên đã được đính chính). Bố mất không để lại di chúc. Cả 03 người con đều đồng ý để lại di sản cho mẹ. Hỏi:
(i) Ông nội và bà nội có quyền thừa kế di sản của bố không? Hiện nay, ông bà nội đã mất, trong thủ tục có đòi hỏi giấy chứng tử của ông bà nội không?
Đáp: (i) Ông nội và bà nội có quyền thừa kế di sản của bố
Bạn trình bày Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên bố và mẹ. Bố bạn mất không để lại di chúc, vì vậy di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật (Điều 650 BLDS 2015).
Theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015, người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định này, bạn và 02 người con còn lại, ông, bà, mẹ (nếu còn sống) đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, ông nội và bà nội có quyền thừa kế di sản của bố.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế đòi hỏi phải có giấy chứng tử của cha, mẹ người chết là đúng theo qui định. Trường hợp này, bạn có thể phải làm thủ tục đăng ký khai tử quá hạn hoặc đăng ký lại tại UBND cấp xã hoặc những người nhận thừa kế có thể làm văn bản cam kết với nội dung ông bà nội đã chết trước thời điểm bố chết và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp xảy ra.
Ngoài ra, việc chứng minh ông bà nội đã chết trước có thể được chấp nhận bằng các giấy tờ khác, chẳng hạn: văn bản xác nhận của UBND phường, công an khu vực về việc người đó đã chết, xác nhận của những người sống trong khu vực là người cao tuổi có biết hoặc chứng kiến về cái chết của ông bà nội trước kia…
(ii) Thủ tục hưởng thừa kế di sản như sau:
Bước 1. Bạn cần nộp hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận hoặc khai nhận di sản thừa kế đến tổ chức hành nghề công chứng. Nếu những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật có yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì làm thủ tục Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản (Điều 58 Luật Công chứng 2014). Nếu bạn là người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 57 Luật Công chứng 2014).
Hồ sơ gồm có:
+ Phiếu yêu cầu công chứng;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Di chúc (nếu có);
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân gồm: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh;
+ Giấy chứng tử của người chết.
Bước 2. Tổ chức hành nghề công chứng sẽ xem xét, kiểm tra tính xác thực của các loại giấy tờ trong hồ sơ.
Bước 3. Tổ chức hành nghề công chứng niêm yết tại UBND cấp xã nơi có di sản thừa kế trong thời hạn 15 ngày.
Bước 4. Sau thời gian niêm yết nếu không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế và trả kết quả công chứng cho người có yêu cầu.
Bước 5. Sau khi hoàn tất các thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng, người yêu cầu phải nộp hồ sơ đến UBND cấp xã nơi có đất hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.
Hồ sơ gồm:
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản;
Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
+ Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;
Khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính này, người sử dụng đất đồng thời nộp kèm hồ sơ của các thủ tục kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan theo cơ chế một cửa liên thông thủ tục hành chính (mỗi loại 02 bản).
+ Giấy chứng tử của người chết;
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân gồm: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khảu, giấy khai sinh;
+ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân.
Bước 6. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 7. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
+ Gửi thông tin địa chính đến Chi cục Thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
+ Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp;
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận thì lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
+ Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Bước 8. Người được cấp Giấy chứng nhận nộp lại bản chính giấy tờ theo quy định trước khi nhận Giấy chứng nhận.