“Bản án, các quyết định của Tòa án và hồ sơ các vụ việc sau khi có phán quyết của Tòa án, công văn của các cơ quan nhà nước có là thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin hay không? “
Hỏi: Bản án, các quyết định của Tòa án và hồ sơ các vụ việc sau khi có phán quyết của Tòa án, công văn của các cơ quan nhà nước có là thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin hay không?
Đáp: Bản án, các quyết định của Tòa án và hồ sơ các vụ việc sau khi có phán quyết của Tòa án có là thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin hay không?
Luật Tiếp cận thông tin quy định các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát là một trong các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, nhưng cần lưu ý rằng việc tiếp cận, cung cấp các thông tin mang tính tư pháp (tức là thông tin có liên quan đến việc xử lý các vụ việc tư pháp cụ thể, như bản án, quyết định của Tòa án và hồ sơ các vụ việc sau khi có phán quyết của Tòa án) phải thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng và các quy định khác có liên quan.
Trên thực tế, các thông tin mang tính tư pháp là loại thông tin chiếm khối lượng lớn trong số thông tin do các cơ quan này tạo ra. Còn theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, trách nhiệm, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin của cơ quan tư pháp là áp dụng đối với những thông tin mang tính hành chính, điều hành trong hoạt động của các cơ quan tư pháp mà cơ quan tư pháp cần thiết công khai cho công chúng (ví dụ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình giải quyết công việc liên quan đến người dân…) hoặc người dân có nhu cầu được cung cấp thông tin do liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cụ thể của họ.
Như vậy, trong hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, khi xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan tư pháp, cần phân biệt rõ thông tin nào thuộc phạm vi được cung cấp theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin để áp dụng các quy định pháp luật cho phù hợp, nhất là để bảo vệ những thông tin cần phải giữ bí mật trong quy trình tố tụng.
Công văn của các cơ quan nhà nước có là thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin hay không?
Công văn của các cơ quan nhà nước là những tài liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đã được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản nên cũng là các thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên, các công văn này không phải là các thông tin phải được cơ quan nhà nước công khai rộng rãi; việc cung cấp công văn theo yêu cầu của công dân chỉ xảy ra khi người yêu cầu nêu rõ nội dung công văn đó có liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Các công văn này là văn bản chính thức giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân, phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.
Vậy, công văn của các cơ quan nhà nước tuy là các thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin, nhưng không phải là các thông tin phải được cơ quan nhà nước công khai rộng rãi, mà chỉ được cung cấp khi người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu.