Bà ngoại tôi và bà ngoại người yêu tôi là hai chị em ruột. Xin hỏi chúng tôi có thể kết hôn được không? Việc kết hôn này có vi phạm huyết thống ba đời không? Mong sớm nhận được tư vấn từ Luật sư.
Hỏi: Bà ngoại tôi và bà ngoại người yêu tôi là hai chị em ruột. Xin hỏi chúng tôi có thể kết hôn được không? Việc kết hôn này có vi phạm huyết thống ba đời không? Mong sớm nhận được tư vấn từ Luật sư.
Đáp: Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, pháp luật nghiêm cấm “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”. (Theo điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình).
Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba (Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình).
Đối chiếu với trường hợp cụ thể của bạn, thì:
– Cha mẹ của bà ngoại bạn và bà ngoại người yêu bạn là đời thứ nhất.
– Bà ngoại bạn và bà ngoại người yêu bạn là đời thứ hai.
– Cha hoặc mẹ của bạn và người yêu bạn là đời thứ ba.
– Bạn và người yêu của bạn là đời thứ tư.
Tức là việc bạn và người yêu bạn kết hôn không vi phạm quy định pháp luật về cấm kết hôn trong phạm vi ba đời.
Như vậy, hai bạn có thể kết hôn khi thoả mãn các điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.