“1/ Về ký kết Hợp đồng lao động: Vợ tôi hiện đang công tác tại một Ngân hàng từ tháng 08/2008 ký hợp đồng 01 năm với ngạch chuyên viên với hệ số 2,34. Sau đó được ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn là 2 năm. Sau đó vợ tôi được tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn là 01 năm, đến tháng 10/2012 thì lại được tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn là 01 năm chứ không phải là hợp đồng không xác định thời hạn. Vậy cho tôi biết là việc ký kết và thực hiện hợp đồng của Ngân hàng có đúng với qui định trong Bộ luật lao động hay không? 2/ Về Thời gian làm việc: Trong Hợp đồng lao động của Ngân hàng quy định về chế độ làm việc: 8 giờ/ngày (từ 07h30 đến 11h30 – 13h đến 17h) và thực hiện giờ làm việc theo yêu cầu công tác. Thứ 7 làm việc buổi sáng; chủ nhật và ngày lễ nghỉ. Xin hỏi việc quy định thời gian làm việc nêu trên có đúng với luật lao động hay không? “
Hỏi: 1/ Về ký kết Hợp đồng lao động: Vợ tôi hiện đang công tác tại một Ngân hàng từ tháng 08/2008 ký hợp đồng 01 năm với ngạch chuyên viên với hệ số 2,34. Sau đó được ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn là 2 năm. Sau đó vợ tôi được tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn là 01 năm, đến tháng 10/2012 thì lại được tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn là 01 năm chứ không phải là hợp đồng không xác định thời hạn. Vậy cho tôi biết là việc ký kết và thực hiện hợp đồng của Ngân hàng có đúng với qui định trong Bộ luật lao động hay không?
2/ Về Thời gian làm việc: Trong Hợp đồng lao động của Ngân hàng quy định về chế độ làm việc: 8 giờ/ngày (từ 07h30 đến 11h30 – 13h đến 17h) và thực hiện giờ làm việc theo yêu cầu công tác. Thứ 7 làm việc buổi sáng; chủ nhật và ngày lễ nghỉ. Xin hỏi việc quy định thời gian làm việc nêu trên có đúng với luật lao động hay không?
Đáp: 1/ Về vấn đề ký kết hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động năm 1994, Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo đó, Điều 27 Bộ luật Lao động năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 quy định như sau:
“1 – Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2 – Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một thời hạn, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.”
Đối với vấn đề này, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động có quy định cụ thể như sau:
“Khi hợp đồng lao động quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Trong thời gian chưa ký hợp đồng lao động mới, hai bên phải tuân theo hợp đồng lao động đã giao kết. Khi hết thời hạn 30 ngày mà không ký hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp ký hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn , thì chỉ được ký thêm một thời hạn không quá 36 tháng, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; nếu không ký thì đương nhiên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.”
Như bạn trình bày, từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 10 năm 2012, vợ của bạn đã được ký liên tiếp 04 Hợp đồng lao động, cụ thể là 03 hợp đồng với thời hạn 01 năm và 01 hợp đồng với thời hạn 02 năm. Như vậy, tính đến ngày chấm dứt hợp đồng cuối cùng là tháng 10 năm 2013, tổng thời hạn tất cả các hợp đồng đã ký kết là 05 năm.
Theo các quy định nói trên, sau khi vợ bạn và Ngân hàng ký kết các Hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm vào tháng 8/2008 và Hợp đồng lao động thứ hai có thời hạn 02 năm (tức là sẽ chấm dứt thời hạn hợp đồng vào tháng 8/2011) thì kể từ thời điểm tháng 8/2011, không phụ thuộc vào ngạch hay bậc lương của thời điểm hiện tại, nếu vợ bạn vẫn tiếp tục làm việc như bình thường thì Ngân hàng phải thực hiện ký kết Hợp đồng lao động không xác định thời hạn với vợ bạn.
Do đó, tính từ tháng 8 năm 2011 đến nay, việc ngân hàng tiếp tục ký kết 02 hợp đồng lao động có thời hạn là 01 năm với vợ của bạn là không đúng quy định của pháp luật. Hai hợp đồng này đương nhiên trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Vì vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, vợ của bạn được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ giống như người lao động ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.
2/ Về vấn đề thời giờ làm việc
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Lao động năm 1994, “Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.”
Theo như anh trình bày, trong Hợp đồng lao động của Ngân hàng có quy định về chế độ làm việc: “8 giờ/ngày (từ 07h30 đến 11h30 – 13h đến 17h) và thực hiện giờ làm việc theo yêu cầu công tác. Thứ 7 làm việc buổi sáng; chủ nhật và ngày lễ nghỉ”.
Như vậy, tổng thời giờ làm việc tại Ngân hàng của người lao động sẽ là 44 giờ/tuần, tức là không quá 48 giờ là hoàn toàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.