THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ
Phát triển dịch vụ pháp lý và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý là một trong các biện pháp góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; là vấn đề chính trị – pháp lý đã được Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội rất quan tâm, đặc biệt đối với Việt Nam khi khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ năm 1991, trong “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000” Đảng ta đã xác định một trong các giải pháp đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô trọng yếu của Nhà nước là “Phát triển các hình thức dịch vụ pháp lý. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo các luật gia, nhất là về luật kinh tế”[1]. Thực hiện định hướng này, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định hai trong bốn phương hướng cải cách tư pháp đó là: (1) Tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó, xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh.
Tiếp đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới đã nêu rõ một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển được đội ngũ chuyên gia pháp luật và luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế. Tại Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/03/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, trong đó đã nêu những chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, bảo đảm cơ chế để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, kiện toàn tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư, một lần nữa khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các định hướng này tiếp tục được kế thừa và khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, khi đánh giá về kết quả thực hiện các đột phá chiến lược đã khẳng định “Hoạt động luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh, thị trường dịch vụ pháp lý bước đầu có đóng góp tích cực cho việc quản trị rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”[2]. Cũng trong Báo cáo này, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là “tiếp tục phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp”[3]. Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý cũng là một trong những giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển[4]. Đó là các chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng về phát triển dịch vụ pháp lý cũng như định hướng xây dựng và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý trong thời gian tới.
Phát triển dịch vụ pháp lý, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý là một trong các biện pháp góp phần quản trị rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
[1] Xem cụ thể tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/chien-luoc-on-dinh-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-den-nam-2000-1559. Truy cập ngày 9/6/2021.
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 31, 32.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 98
[4] Tại điểm 10 Mục IV nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 khi xác định các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển đã xác định nhiệm vụ: “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 149, 150.