Quy định về việc xác định Tòa án có thẩm quyền chỉ định, thay đổi Trọng tài viên

Hỏi: Quy định về việc xác định Tòa án có thẩm quyền chỉ định, thay đổi Trọng tài viên

Đáp: – Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật TTTM năm 2010, việc thành lập HĐTT để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là quyền của các bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có quyền lựa chọn thành lập HĐTT có thể bao gồm một hay nhiều Trọng tài viên tùy theo sự thỏa thuận của các bên, trường hợp các bên không có sự thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì HĐTT bao gồm ba Trọng tài viên.
– Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật TTTM năm 2010, đối với việc thành lập HĐTT vụ việc, nếu bị đơn hoặc các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, hoặc các Trọng tài viên không bầu được một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch HĐTT, hoặc các bên không chọn được Trọng tài viên duy nhất (trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một trọng tài viên duy nhất giải quyết) thì Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc nơi có trụ sở theo yêu cầu của một hoặc các bên có quyền đưa ra quyết định chỉ định Trọng tài viên, chỉ định Chủ tịch HĐTT trong các trường hợp trên.
– Tại khoản 4 Điều 42 Luật TTTM năm 2010, quy định: “Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên”. Như vậy, đối với trường hợp cần phải thay đổi Trọng tài viên theo quy định của pháp luật (trong vụ tranh chấp do HĐTT vụ việc giải quyết), nếu các thành viên còn lại của HĐTT không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì Tòa án có thẩm quyền (Tòa án nơi HĐTT giải quyết tranh chấp) có thể hỗ trợ việc quyết định thay đổi Trọng tài viên này. Cụ thể là Chánh án Tòa án có thẩm quyền sẽ phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.
– Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 43 Luật TTTM năm 2010 còn quy định: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết”. Theo đó, Tòa án cũng có thể “hỗ trợ” trong trường hợp Trọng tài viên được lựa chọn không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
– Như vậy, các quy định trên của Luật TTTM năm 2010 đã giúp tháo gỡ được các “bế tắc” trong tố tụng trọng tài. Bởi lẽ, vụ tranh chấp đã được các bên thỏa thuận giải quyết theo thủ tục trọng tài thì Tòa án không thụ lý giải quyết. Việc không thành lập được HĐTT hoặc không chọn được Trọng tài viên duy nhất gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp. Vì thế, quyền lợi của các bên tranh chấp khó được đảm bảo, đặc biệt là bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Do đó, sự “hỗ trợ” của Tòa án đối với TTTM trong việc chỉ định, thay đổi Trọng tài viên là điều rất cần thiết. Sự can thiệp bởi ý chí của xét xử – nhân danh Nhà nước, vào hoạt động trọng tài bằng việc chỉ định, thay đổi Trọng tài viên đã làm cho trọng tài có thể thực hiện được nhiệm vụ mà các bên tranh chấp giao phó, giúp các bên tháo gỡ những bất đồng, mâu thuẫn phát sinh.

error: Content is protected !!