Nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài?
Hỏi: Nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài?
Đáp: Theo quy định tại Điều 423 BLTTDS, Tòa án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong trường hợp sau:
“1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.
2. Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.”
Tuy nhiên, những bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mặc dù đáp ứng được các yêu cầu trên nhưng vẫn bị Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau:
+ Bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó.
+ Người phải thi hành án hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ.
+ Vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án tại Việt Nam.
+ Về cùng vụ án này đã có bản án, quyết định dân sự đang có hiệu lưucj pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc Tòa án nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận; hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ án, Tòa án Việt Nam đã tụ lý và đang xem xét vụ án đó.
+ Đã hết hiệu lực thi hành án theo quy định của luật nước có tòa án đã ra bản án, quyết định đó hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.