Luật hình sự quốc tế quy định dẫn độ tội phạm để xử lý và bảo vệ quyền con người như thế nào?
Hỏi: Luật hình sự quốc tế quy định dẫn độ tội phạm để xử lý và bảo vệ quyền con người như thế nào?
Đáp: Dẫn độ tội phạm cũng là một nội dung quan trọng của Luật hình sự quốc tế, chế định này bên cạnh ý nghĩa buộc những người gây ra tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, còn có vai trò thể hiện sự hợp tác của các quốc gia trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong đó có dẫn độ, hoặc giữa các quốc gia ký kết hiệp định tương trợ dẫn độ chính là hình thức hợp tác quốc tế song phương hay đa phương trong lĩnh vực Luật hình sự quốc tế. Tuy nhiên, dẫn độ tội phạm lại “động chạm” đến chủ quyền quốc gia và các quyền lợi của quốc gia trong đó, có quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, giải quyết vấn đề nhạy cảm này, đòi hỏi pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế liên quan đến các điều ước về dẫn độ cần đầy đủ về nội dung, chặt chẽ về thủ tục và phải là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa tội phạm, nhưng quan trọng hơn vẫn phải tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Dẫn độ tội phạm là một hình thức trợ giúp pháp lý quan trọng trong việc thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia trong lĩnh vực hình sự. Các hoạt động liên quan đến dẫn độ thuộc và chỉ thuộc quốc gia có quyền ký kết các điều ước quốc tế. Do đó, dẫn độ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của quốc gia. Nói chung, thực tiễn quốc tế đều khẳng định, cơ sở pháp lý của dẫn độ thông thường được dựa trên pháp luật quốc gia hay các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia về tương trợ tư pháp, về phòng chống các loại tội phạm có tính chất quốc tế. Vì vậy, hiện nay các quốc gia đã thống nhất danh mục các loại tội phạm cần phải dẫn độ, tiêu chuẩn và chế tài áp dụng, cũng như trình tự, thủ tục, nguyên tắc và điều kiện dẫn độ tội phạm.
Trong các nguyên tắc dẫn độ tội phạm, bên cạnh nguyên tắc có đi có lại để thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế, trong việc cùng nhau xử lý tội phạm, không có sự bao che, bảo kê cho tội phạm. Ngoài ra, cũng còn có nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình khi một nước yêu cầu dẫn độ công dân nước họ để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án. Đây cũng chính là sự thể hiện quốc gia bảo vệ quyền con người cho công dân nước mình, song vẫn phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền trong quốc gia để tiến hành giải quyết vụ việc đó theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự nói chung. Song, nguyên tắc này lại không được áp dụng trong trường hợp công dân của nước đó phạm các tội phạm quốc tế (tội phạm chiến tranh, chống loài người, diệt chủng, xâm lược) thì các quốc gia mà công dân là thành viên phải dẫn độ công dân cho nước ngoài xét xử, xử lý các tên phạm các tội ác quốc tế, bảo vệ sự bình yên của cộng đồng thế giới, chống lại các hành động tội ác và không khoan nhượng trước bất kỳ cá nhân nào.