Còn gần 80.000 tỉ phải thi hành trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế, còn phải thi hành hơn 79.781 tỉ đồng.

Sáng 19-7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Tham dự tại điểm cầu trung ương có ông Lê Thành Long (Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành có giám đốc các Sở Tư pháp, cục trưởng các Cục Thi hành án dân sự (THADS)…

Trình bày báo cáo, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết trong sáu tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức thẩm định tám đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 2.218 dự thảo VBQPPL; các phòng tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo VBQPPL.

Kết quả công tác THADS chín tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-6-2022) như sau:

Về việc: Tổng số phải thi hành 731.917 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 541.575 việc. Đã thi hành xong là 348.490 việc, đạt tỉ lệ 64,35% (tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2021).

Về tiền: Tổng số phải thi hành là trên 332.984 tỉ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 175.874 tỉ đồng. Đã thi hành xong trên 52.166 tỉ đồng, tăng hơn 16.930 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021; đạt tỉ lệ 29,47% (tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021).

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế (thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo): Tổng số tiền phải thi hành hơn 129.619 tỉ đồng, số đã thi hành xong là hơn 49.838 tỉ đồng, còn phải thi hành hơn 79.781 tỉ đồng.

Bên cạnh các kết quả đạt được thì còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; Hồ sơ, dự án luật trình cơ quan có thẩm quyền chưa bảo đảm tiến độ; Việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; Vi phạm trong hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản còn xảy ra.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ đã đưa ra 5 giải pháp.

Một là tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Hai là kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn nhiệm vụ, linh hoạt điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Ba là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành triển khai thực hiện các kế hoạch công tác.

Bốn là tăng cường công tác tự kiểm tra gắn với việc động viên, khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao…

Năm là đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời chia sẻ cách làm hay, hiệu quả trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao…

Theo  PLO

error: Content is protected !!