Chế định hợp đồng trong Luật La Mã?
Hỏi: Chế định hợp đồng trong Luật La Mã?
Đáp: Hợp đồng là sự thỏa thuận của hai hay nhiều bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ của các bên. Nghĩa là để hợp đồng có hiệu lực phải có hai điều kiện.
Một là hợp đồng phải do sự thỏa thuận giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng vũ lực.
Hai là hợp đồng phải phù hợp với quy định của luật pháp.
Căn cứ vào hình thức hợp đồng, Luật La Mã phân chia thành:
– Hợp đồng thề, được giao kết theo hình thức thề (thề có đồng và câu);
– Hợp đồng miệng, hợp đồng thực hiện bằng lời nói dưới dạng câu hỏi và trả lời;
– Hợp đồng viết, thể hiện dưới hình thức bằng văn bản.
Trong thực tiễn xét xử, các luật gia La Mã đã phân hợp đồng thành hai loại.
– Hợp đồng thực tế: nghĩa vụ thực hiện và trách nhiệm nảy sinh từ thời điểm trao vật. Trong hợp đồng thực tại có hợp đồng bảo quản và hợp đồng vay mượn. Đối với hợp đồng bảo quản, thời điểm phát sinh trách nhiệm kể từ khi nhận được vật. Trong hợp đồng cho vay, người vay phải trả lại vật tương tự. Trong hợp đồng cho mượn, người mượn phải trả chính vật được mượn.
– Hợp đồng thỏa thuận: gồm nhiều hình thức quan hệ pháp lý như mua bán, thuê mướn sức lao động, thuê súc vật, thuê nhà ở, lĩnh canh ruộng đất. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của loại hợp đồng này bắt đầu ngay sau ký hợp đồng, chứ không đợi đến sau khi trao vật.
Khi có sự vi phạm hợp đồng, trái vụ xuất hiện, về trái vụ luật gia Paven viết: “bản chất của trái vụ là bắt buộc phải có nghĩa vụ với chúng ta, bắt người đó phải trao cho, làm một cái gì đó”. Các biện pháp để bảo đảm trái vụ là cầm cố vật, sự bảo lãnh của người trung gian. Theo nguyên tắc chung, hợp đồng bị hủy bỏ nếu có sự nhất trí của hai bên. Nhưng trên thực tế, trái vụ có thể bị đình chỉ khi có một trong các điều kiện sau: hai bên thỏa thuận chuyển khoản nợ cũ sang trái vụ mới, người chủ nợ từ chối quyền đòi hỏi của mình, hết thời hiệu đưa đơn kiện (theo quy định của tòa án) người mắc nợ gặp phải thiên tai địch họa không thể cưỡng lại được.