Các hình thức của thỏa thuận trọng tài thương mại quốc tế?
Hỏi: Các hình thức của thỏa thuận trọng tài thương mại quốc tế?
Đáp: Hình thức của thoả thuận trọng tài cũng là một đặc điểm tạo ra sự khác biệt với những thoả thuận khác thỏa thuận trọng tài, theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại quy định về hình thức thoả thuận trọng tài như sau: “Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.”
+ Thoả thuận của các bên được ghi nhận trong hợp đồng về việc đưa tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai ra cơ quan trọng tài giải quyết Điều khoản trọng tài trong hợp đồng thường nằm ở cuối hợp đồng và đây chỉ là sự dự liệu, tranh chấp hợp đồng chưa xảy ra hoặc không bao giờ xảy ra nên điều khoản trọng tài thường rất ngắn gọn, đôi khi quá đơn giản.
+ Còn hình thức thỏa thuận riêng là văn bản riêng rẽ do các bên thoả thuận lập ra khi tranh chấp phát sinh. Do thời điểm xác lập là khi tranh chấp đã phát sinh, các bên biết rõ tính chất và mức độ tranh chấp nên thoả ước trọng tài thường được các bên soạn thảo cụ thể, chi tiết và do vậy có hiệu quả cao hơn. Nhưng dù là điều khoản trọng tài hay thoả ước trọng tài thì xét về bản chất là không có sự khác biệt, chúng đều thể hiện sự thoả thuận ý chí của các bên về việc đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết, hay nói cách khác cả 2 đều là cơ sở của “Quyền lực trọng tài”.
Trong tất cả các trường hợp “Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản” (Khoản 2). điều này có nghĩa là thỏa thuận trọng tài bắt buộc phải bằng văn bản mà không cần xác lập bằng bất kì một hình thức nào khác để đảm bảo cho thỏa thuận trọng tài có giá trị như một chứng cứ xác thực ý chí của các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh..
Như vậy, Các bên khi bắt đầu quan hệ thương mại đã dự đoán được trước và thỏa thuận hay các tranh chấp phát sinh trong tương lai thể hiện thành điều khoản trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng như trình bày trên, thỏa thuận này thường được biên soạn có tính khả thi cao.
Thỏa thuận vô hiệu:
Điều 18 Luật TTTM quy định về Thỏa thuận vô hiệu
“ 2. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”(Khoản 2 Điều 3). Tuy nhiên , thỏa thuận đó có thể vô hiệu do các lí do khác nhau, được quy định tại Điều 18:
+ Khoản 1 quy định: “ Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.”
Mà Điều 2 quy định rõ về Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài
“ 1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”. Vậy những tranh chấp không thuộc một trong ba tranh chấp tại Điều 2 này thì thỏa thuận trọng tài đó sẽ vô hiệu.
+) Khoản 2 “Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”
Người không có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài là người không có quyền theo luật định để kí kết thỏa thuận trọng tài như người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền.
+ ) Khoản 3: ” Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Người không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự xác lập thoả thuận trọng tài thì thỏa thuận trọng tài đó cũng bị vô hiệu.
+) Khoản 4: “Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.”
Như đã phân tích ở trên đây về hình thức của thoả thuận trọng tài là bằng văn bản, nếu hình thức không phù hợp với quy định tại Điều 16, tức là thỏa thuận trọng tài bằng các hình thức khác hình thức bằng văn bản thì thỏa thuận đó sẽ vô hiệu
+) Khoản 5: “Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu”:
Thỏa thuận trọng tài là kết quả của sự thống nhất ý chí giữa các bên tự do, bình đẳng. Sự thống nhất ý chí đó không bị ràng buộc bởi pháp luật hay bất kì một tổ chức, cá nhân nào. Khi một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài là những hành động đi ngược lại với nguyên tắc tự do thỏa thuận, và sẽ bị vô hiệu
+) Khoản 6: “Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật”
Tùy vào thời điểm phát hiện thỏa thuận trọng tài sẽ vô hiệu sẽ mang lại những hậu quả pháp lý như tại Điều 6 : “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Như vậy Tòa án sẽ phải thụ lý vụ việc tranh chấp khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu được quy định rõ tại Điều 43.
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu tại bất kì thời điểm nào cũng đều làm cho trọng tài không còn thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp nữa và tòa án có thẩm quyền nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài thực chất là một hợp đồng nhỏ có nội dung khác biệt và có giá trị độc lập so với hợp đồng chính. Ngay cả khi “hợp đồng bị thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài” (Điều 19 Luật TTTM)
Khi thỏa thuận trọng tài là một điều khoản nằm trong hợp đồng chính thì vẫn mang tính độc lập với hợp đồng chính do thỏa thuận trọng tài có đối tượng pháp lý xác định thủ tục tố tụng sẽ được áp dụng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa các bên, hoàn toàn khác so với đối tượng của hợp đồng chính là xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong một quan hệ pháp luật nhất định.
Tuy nhiên, tính độc lập của thỏa thuận trọng tài chỉ tương đối khi mà hợp đồng chính vô hiệu nếu như nguyên nhân chính dẫn đến hợp đồng chính và thỏa thuận trọng tài vô hiệu là trùng nhau thì đương nhiên cả hai cùng vô hiệu.