“Tôi là dân thường, ra đường thấy tên cướp giật nên đã dùng chân đạp, làm cho tên cướp giật ngã và bị gãy tay. Trong trường hợp này tôi bị gì không? “

Hỏi: Tôi là dân thường, ra đường thấy tên cướp giật nên đã dùng chân đạp, làm cho tên cướp giật ngã và bị gãy tay. Trong trường hợp này tôi bị gì không?

Đáp: Điều 22 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy, phòng vệ chính đáng là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) mà theo đó, một người có hành vi bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi thoả mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, có sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm đáng kể đến quyền và lợi ích chính đáng của người phòng vệ hoặc của người khác, lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.
Đây chính là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng, có nghĩa là chỉ có thể nói đến phòng vệ chính đáng khi có hành vi xâm phạm đang diễn ra và chưa chấm dứt. Hành vi xâm phạm đó có thể đủ hoặc chưa đủ các đặc điểm của tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS nhưng phải nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Hành vi này có thể xâm phạm quyền hoặc lợi ích của chính người phòng vệ hoặc của người khác, lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Sự tấn công đang hiện hữu xâm phạm đến các quyền và lợi ích nói trên có thể được thể hiện qua 02 dạng hành vi là hành động hoặc không hành động. Trong đó, dạng hành động của người tấn công có thể được thể hiện qua một số hành vi như hành vi cướp tài sản, hành vi hiếp dâm, hành vi gây thương tích…, dạng không hành động của người tấn công có thể được thể hiện qua một số hành vi như hành vi không cấp cứu những người bị tai nạn của người bác sĩ mà không có lý do chính đáng .
Hành vi tấn công được coi là cơ sở của phòng vệ chính đánh chỉ khi hành vi đó đang xảy ra hoặc đe doạ sẽ xảy ra ngày tức khắc. Khi hành vi tấn công đã thực sự kết thúc thì nó không cần phải ngăn chặn nữa nên nếu có hành vi chống trả thì đó chỉ có thể là sự trả thù, trong luật hình sự gọi là phòng vệ quá muộn. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp này sẽ được giải quyết như trường hợp bình thường nếu đã cố ý phòng vệ quá muộn. Tương tự, khi hành vi tấn công chưa xảy ra, nhưng biểu hiện đe dọa sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc thì cũng cho phép được quyền phòng vệ. Nếu chưa có biểu hiện đe dọa sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc mà đã phòng vệ thì đó là phòng vệ quá sớm và vấn đề TNHS được giải quyết như trường hợp phòng vệ quá muộn.
Thứ hai, hành vi phòng vệ gây thiệt hại cho người xâm phạm (người có hành vi tấn công) là cần thiết.
Sự chống trả của người phòng vệ, theo quy định tại Điều 22 BLHS năm 2015, phải là sự chống trả cần thiết được thể hiện dưới hai khía cạnh:
– Hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công. Sự chống trả này có thể nhằm gây thiệt hại cho công cụ, phương tiện mà người tấn công sử dụng, hoặc cho chính tính mạng, sức khoẻ của người đó nhằm gây thiệt hại nhất định qua đó nhằm đẩy lùi sự tấn công đó.
– Biện pháp chống trả của người phòng vệ (phương tiện, phương pháp, thiệt hại) đặt trong hoàn cảnh cụ thể phải là biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn được sự tấn công, hạn chế những thiệt hại có thể kẻ tấn công gây ra, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong trường hợp cụ thể. Để đánh giá sự cần thiết và phù hợp này, trước hết cần phải dựa vào những tiêu chí sau: (i) tính chất của quan hệ xã hội bị đe doạ xâm hại; mức độ thiệt hại bị đe doạ xâm hại; (ii) sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; (iii) tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà kẻ tấn công sử dụng; (iv) sức mạnh và khả năng phòng vệ của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể…
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS theo quy định của BLHS.
Người có hành vi phòng vệ trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS do lỗi vượt quá của mình. Tuy nhiên, TNHS của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp bình thường. Mức độ TNHS được giảm nhẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ vượt quá giới hạn phòng vệ và các tình tiết giảm nhẹ khác. Theo quy định của BLHS năm 2015, phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng được xác định là một tình tiết giảm nhẹ TNHS, được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015. Bên cạnh đó, tại Phần các tội phạm, BLHS năm 2015 còn quy định các tội phạm cụ thể do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cụ thể tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136).
Như vậy, trong trường hợp nói trên của bạn, nếu hành vi đạp làm gãy tay tên cướp vì muốn bảo vệ tài sản cho người bị cướp giật mà được xác định là chống trả một cách cần thiết hành vi cướp dật đang hiện hữu có thể được xác định là phòng vệ chính đáng, do đó, hành vi của bạn không phải là tội phạm và không phải chịu TNHS. Tuy nhiên, nếu hành vi của bạn được xác định là chống trả một cách quá mức cần thiết (vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng), tỷ lệ thương tật của tên cướp được xác định là trên 31%, thì hành vi của bạn có thể bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 BLHS.

error: Content is protected !!