Nghĩa vụ dân sự trong Luật La Mã
Hỏi: Nghĩa vụ dân sự trong Luật La Mã
Đáp: a. Khái niệm nghĩa vụ
– Là một quan hệ mà trong đó một bên gọi là “bên có quyền” có quyền yêu cầu “bên kia” (bên có nghĩa vụ) được làm một công việc hay không được làm một công việc vì lợi ích và theo yêu cầu của bên có quyền.
b. Phân loại:
– Luật gia Gai cho rằng tất cả mọi nghĩa vụ được phát sinh hoặc từ sự thỏa thuận hay hợp đồng hoặc từ sự vi phạm hay gây ra thiệt hại. Hoàng đế Justinian phân chia nghĩa vụ thành 4 loại :
+ Ex Contractu (thỏa thuận, khế ước, hợp đồng) : ít nhất hai chủ thể thỏa thuận với nhau để làm phát sinh nghĩa vụ.
+ Ex Delicto (vi phạm, do gây ra thiệt hại, nghĩa vụ bồi thường) : nếu một người có hành vi gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của người khác thì có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả do mình gây ra.
+ Quasi ex contractu (chuẩn khế ước, chuẩn hợp đồng, nghĩa vụ phát sinh như từ hợp đồng) : đây là những loại nghĩa vụ không phát sinh từ hợp đồng nhưng về bản chất và nội dung gần giống như nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, các loại nghĩa vụ này bao gồm : thưc hiện công việc của người khác không có sự ủy nhiệm, được lợi tài sản không có căn cứ pháp luật.
+ Quasi ex delicto (chuẩn vi phạm, nghĩa vụ phát sinh như từ gây ra thiệt hại) : nếu một người có hành vi hoặc tài sản đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người bị đe dọa gây thiệt hại có quyền yêu cầu quan tòa phạt người có hành vi hoặc tài sản đe dọa đó một số tiền nhất định. Số tiền phạt tối đa có thẻ lên đến 50000 as.
c. Thực hiện nghĩa vụ dân sự:
– Thông thường, nghĩa vụ chấm dứt bằng việc thực hiện nghĩa vụ trọng tâm của việc thực hiện nghĩa vụ là đúng đối tượng, đúng thời hạn, đúng thời điểm. Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản hoặc một công việc phải làm hoặc không được làm. Khi đối tượng là một vật đặc định thì phải đúng vật đó. Khi đối tượng là vật cùng loại mà không có sự thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật với chất lượng trung bình.
– Thời hạn của nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thì thời hạn được xác định từ thời điểm người có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.
– Địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, trong trường hợp các bên không thỏa thuận về địa điểm thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi cư trú của người có quyền.
d. Thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn:
– Từ phía con nợ :
+ Việc con nợ chậm trễ thực hiện nghĩa vụ sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định : bồi thường toàn bộ thiệt hại do sự chậm trễ gây ra, nếu giá của đối tượng nghĩa vụ tăng thì con nợ phải trả cho chủ nợ phần tăng thêm đó. Trong trường hợp con nợ mang toàn bộ lợi nhuận thu được trả cho chủ nợ thì sẽ được giải phóng khỏi trách nhiệm do sự chậm trễ.
+ Con nợ trong trường hợp chậm trễ thực hiện nghĩa vụ không chịu trách nhiệm nặng hơn nếu chủ nợ không đốc thúc con nợ. Trong một số trường hợp chủ nợ không cần đốc thúc con nợ : nếu đã quy định một ngày cụ thể thì bản thân đó đã là sự đốc thúc ; kẻ trộm, kẻ cắp luôn được coi là chậm trễ thực hiện nghĩa vụ.
– Từ phía chủ nợ: Việc chậm trễ tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ từ phía chủ nợ dẫn đến việc chủ nợ có thể bị tước quyền. Ở thời kỳ đầu, Luật la Mã thậm chí cho phép con nợ vứt bỏ đồ vật vay nợ nếu chủ nợ không nhận đúng thời hạn theo thời gian và địa điểm đã thỏa thuận. Trong những trường hợp tương tự, chủ nợ cho phép con nợ giao cho nhà thờ hoặc quan tòa, giải phóng khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ.
e. Trách nhiệm dân sự:
– Trách nhiệm dân sự là hậu quả xấu đối với các bên khi thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải gánh chịu sự cưỡng chế của Nhà nước về vật chất và thể xác. Bên có quyền không thực hiện đúng quyền của mình thì có thể bị tước quyền.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là sự cưỡng chế vật chất nhằm khắc phục những thiệt hại đã xảy ra. Việc bồi thường thiệt hại phát sinh phải hội đủ hai điều kiện :
+ Thiệt hại thực tế gồm sự sự mất mát, giảm sút, hư hỏng và những lợi nhuận bị mất. Các luật gia La Mã cũng có đề cập đến những thiệt hại về tinh thần.
+ Trong chế định bồi thường thiệt hại, các luật gia La Mã chú trọng vấn đề lỗi. Mức độ lỗi ảnh hưởng trực tiếp đến phạm vi bồi thường.
. Do Lus (cố ý) : khi một người thực hiện hành vi nhận thức được hậu quả hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.
. Culpa (vô ý) : Vô ý nặng là khi thực hiện hành vi người đó không hiểu, không thấy hậu quả mà người bình thường phải hiểu phải thấy. Vô ý nhẹ là khi thực hiện hành vi người đó không thể hiện được mình là người chủ tốt.
. Lỗi cố ý và vô ý nặng luôn luôn phải chịu vấn đề bồi thường thiệt hại, lỗi vô ý nhẹ có thể không phải bồi thường.
+ Luật La Mã không tính toán loại thiệt hại xảy ra do sự vô tâm, kém cỏi và ngu dốt của người bị thiệt hại